1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lỗ hổng cho nhận trứng, tinh trùng, hậu họa khôn lường

Mua bán tinh trùng, trứng để thụ tinh nhân tạo trái phép đã và đang diễn ra âm thầm.

Từ cuối tháng 11 đến nay, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra hàng loạt phòng khám tư nhân thực hiện hỗ trợ sinh sản trái phép. Thanh tra phát hiện ra nhiều sai phạm và đề xuất xử lý rút giấy phép hoạt động 4-5 tháng một cơ sở, phạt 188 triệu đồng. Các cá nhân sai phạm cũng bị đề xuất phạt tổng cộng 114 triệu đồng. Một bác sĩ bị đề nghị tước chứng chỉ hành nghề chín tháng.

Làm thụ tinh nhân tạo tại phòng khám

Theo kết quả thanh tra Phòng khám VS tại quận 11, nơi này cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động: Bơm tinh trùng. BS N. của một bệnh viện (BV) phụ sản nhà nước bị phát hiện làm việc tại đây. Dù không được cấp phép nhưng Phòng khám VS vẫn quảng cáo các dịch vụ hỗ trợ sinh sản, nội dung quảng cáo cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Phòng khám này sử dụng nhân viên không có chứng chỉ hành nghề; tư vấn phương pháp xác định giới tính thai nhi theo ý muốn…

Ngay khi biết thông tin các sai phạm trên, UBND TP đã có công văn chỉ đạo Sở Y tế, Công an TP phối hợp làm quyết liệt, nếu có thể xử lý hình sự người mua bán, tiếp tay thụ tinh nhân tạo trái phép.

TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay trên địa bàn TP chỉ có sáu BV được phép thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm…), chưa có phòng khám nào được cấp phép. Người bán trứng, tinh trùng dùng nhiều thủ đoạn để qua mặt nhân viên y tế. Còn các nơi làm thụ tinh nhân tạo trái phép thì dùng mọi phương thức để qua mặt cơ quan chức năng để kiếm tiền từ bệnh nhân hiếm muộn. Nhiều bác sĩ lén lút thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tại phòng khám tư với giá từ 20 đến hàng chục triệu đồng/lần.

“Không loại trừ khả năng một số phòng khám tự xử lý tinh trùng do người bệnh “tự có được” và tiến hành kỹ thuật bơm tinh trùng tại phòng khám” - TS Trạng nói.

Các bác sĩ khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ đang tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: TÙNG SƠN
Các bác sĩ khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ đang tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: TÙNG SƠN

Khó biết một người cho nhiều trứng, tinh trùng

Theo Nghị định 10/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, một người chỉ được cho trứng, tinh trùng một lần.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng trên thực tế kiểm soát điều này rất khó khăn, nhất là ở các cơ sở y tế tư nhân. Theo TS Trạng, ngay tại các BV công quy trình kiểm tra rất chặt chẽ dựa vào giấy tờ tùy thân đã khó nhưng trên bình diện cả nước càng khó. “Chẳng hạn, một người vừa cho tặng trứng ở BV A, sau đó sang BV B thì BV B khó biết người đó đã từng cho trứng ở BV A. Về cho tặng tinh trùng cũng như vậy, một người có thể đến nhiều cơ sở y tế khác nhau mà đơn vị tiếp nhận không kiểm tra được” - ông Trạng nói.

ThS-BS Lê Thị Minh Châu, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, thừa nhận năm nào BV cũng phát hiện một số trường hợp người “hiến trứng” cố tình dùng giấy chứng minh nhân dân của người khác rồi thay ảnh mình vào, nhân viên tiếp nhận kiểm tra kỹ thì phát hiện. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhân viên cũng phát hiện được.

Bên cạnh đó, việc bán tinh trùng còn tinh vi hơn. Một người đàn ông của cặp vô sinh (giới thiệu hiến) được yêu cầu vào phòng kín tự lấy tinh trùng sau khi được đưa một lọ chứa. Nếu cố tình họ có thể dễ dàng lấy tinh trùng đã mua trước đó để sẵn trong người hoặc người nhà lén đưa vào, đổ vào lọ chứa rồi giao lại cho nhân viên BV. Trong trường hợp này, BV cứ tưởng là tinh trùng của chính người đó, vì người nam tự lấy tinh trùng trong phòng riêng không hề có camera theo dõi.

“Việc kiểm soát cho trứng, tinh trùng giữa các trung tâm còn thiếu chặt chẽ. Chẳng hạn họ có thể cho (trứng, tinh trùng) ở BV Hùng Vương, xong qua cho bên BV Từ Dũ… mà không ai biết” - BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, nói.

Hiện Sở Y tế TP đã đề xuất các BV áp dụng biện pháp cách ly với người nhà, cho mặc đồ không túi khi vào phòng riêng lấy tinh trùng. Bên cạnh đó sẽ có sự trợ giúp kỹ thuật của nhân viên y tế trực tiếp lấy tinh trùng nhằm tránh đánh tráo các mẫu.

Theo các chuyên gia, hệ quả của việc một người cho nhiều lần tinh trùng, trứng là rất nghiêm trọng bởi việc cho trứng, tinh trùng nhiều lần sẽ tạo ra thế hệ cận huyết mà không có mối liên hệ thực tế ngoài đời. Các thế hệ cận huyết nếu ngẫu nhiên kết hôn sẽ gây ra nhiều bệnh lý di truyền rất nguy hiểm. Chưa kể về mặt đạo đức, pháp luật, kết hôn đồng huyết là không thể chấp nhận.

_______________________________

Nếu không quản lý chặt chẽ việc cho nhận tinh trùng và trứng thì khả năng xảy ra kết hôn đồng huyết là rất cao vì một người có thể cho nhiều lần tinh trùng, trứng, thậm chí là phôi cũng được cho tràn lan.

TS-BS BÙI MINH TRẠNG,

Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM

Theo Duy Tính

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm