Liệu pháp miễn dịch chống ung thư: Đột phá y học của năm 2013
(Dân trí) - Phương pháp điều trị biến tế bào miễn dịch của cơ thể thành những “sát thủ” tiêu diệt tế bào ung thư đã được tạp chí Science bình chọn là đột phá y học của năm 2013.
Liệu pháp miễn dịch này chỉ có tác dụng trên một số ít bệnh nhân và một số loại ung thư, bao gồm u hắc tố (một loại ung thư da) và bệnh bạch cầu (ung thư máu), nhưng các chuyên gia tin rằng nó có triển vọng hết sức to lớn.
Việc nghiên cứu liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư được bắt đầu từ những năm 1980, kể từ đó các nhà khoa học đã tìm ra những phân tử trên tế bào miễn dịch mà khi tác động vào đó, có thể bắt các tế bào miễn dịch giáng trả “trúng đích” khối u ung thư.
Khoảng 5 công ty dược lớn hiện đang nghiên cứu về liệu pháp này. Một thuốc mới do công ty Bristol Myers-Squibb sản xuất được phê chuẩn trong năm 2011. Được đặt tên là ipilimumab, thuốc có chi phí 120.000 đô la Mỹ cho mỗi liệu trình điều trị.
Nghiên cứu năm 2012 trên 300 người cho thấy thuốc làm khối u teo nhỏ một nửa hoặc hơn ở 31% số người bị u hắc tố, 29% số người bị ung thư thận và 17% số bệnh nhân ung thư phổi.
Nghiên cứu trong năm nay gồm 1.800 người bị u hắc tố được điều trị ipilimumab, 22% số bệnh nhân vẫn còn sống sau 3 năm.
Một cách điều trị khác tương tự có tên là liệu pháp kháng nguyên chimeric, bao gồm biến đổi tế bào T của bệnh nhân để bắt chúng tấn công khối u, đã thành công trong việc giúp 45/75 bệnh nhân bị bệnh bạch cầu thuyên giảm hoàn toàn.
Một trong những câu chuyện thành công này là Emily Whitehead, hiện được 8 tuổi. Năm ngoái cô bé là bệnh nhi đầu tiên được nhận liệu pháp thử nghiệm để điều trị bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp (ALL).
“Đã gần 20 tháng cháu không còn bệnh ung thư. Sức khỏe của cháu rất tốt và cháu đã hoàn toàn trở lại cuộc sống bình thường”, mẹ bé cho biết.
Emily đã từng cận kề cái chết và sau hai đợt tái phát thì các bác sỹ thừa nhận họ không còn cách nào. Hy vọng đã đột ngột lóe lên khi gia đình bé biết về liệu pháp tế bào T đang được thử nghiệm và quyết định thử.
“Cách điều trị này là phép màu với Emily và với tất cả những gia đình có người bị bệnh này”, Mẹ bé nói.
Tạp chí Science và cơ quan xuất bản là Hội Tiến bộ Khoa học Mỹ cũng đã chọn ra những thành tựu quanh trọng khác trong top 10 đột phá hằng năm. Những thành tựu này bao gồm:
- Một thế hệ tế bào quang học mới gọi là tế bào Perovskite, đạt hiệu quả hơn và rẻ hơn tế bào silicon truyền thống.
- Tiến bộ trong nuôi cấy các cơ quan “mini” của người trong phòng thí nghiệm như mầm não, thận và gan để hiểu rõ hơn về bệnh ở người.
- Tế bào gốc lấy từ phôi người nhân bản.
- Hiểu rõ hơn về cơ chế giấc ngủ cho phép não tự làm sạch nhờ mở rộng các kênh giữa các nơ ron và cho phép dịch não tủy lưu thông nhiều hơn.
- Tầm quan trọng của vi khuẩn trong việc tìm hiểu sức khỏe chung của cơ thể.
- Cách mới để thiết kế vắc xin sử dụng cấu trúc của kháng thể, được hoan nghênh vì khả năng chống lại một bệnh phổ biến ở trẻ em là vi rút hợp bào hô hấp.
- Tìm ra nguồn gốc của các tia vũ trụ sau 100 năm. Hóa ra là chúng xuất phát từ những đám mây mảnh vỡ còn lại của các siêu tân tinh, hay những ngôi sao bị nổ.
Thùy Linh
Theo Channelnewsasia