Liên tiếp các vụ bệnh nhân bị cắt thận, cưa chân kiện bác sĩ, bệnh viện
Hàng loạt vụ bệnh nhân kiện bác sĩ (BS), bệnh viện (BV) với mức bồi thường lớn xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến cho dư luận quan tâm. Tuy nhiên, để nhận được tiền bồi thường cũng không dễ khi cả người kiện, luật sư cũng “tù mù” về kiến thức y khoa...
Bệnh nhân Hứa Cẩm Tú bị cắt nhầm 2 quả thận vẫn phải mỏi mòn đi kiện. Ảnh: H.D
Kiện vì bị cắt mất thận, cưa chân…
Mới đây nhất, ngày 17/7, ông Nguyễn Văn Hạnh (52 tuổi, trú tại Cai Lậy, Tiền Giang) đã gửi đơn đến Sở Y tế tỉnh này để yêu cầu BV Đa khoa huyện Cái Bè bồi thường cho ông 204 triệu đồng. Vụ việc xảy ra ba tuần trước đó, khi ông Hạnh bị tai nạn giao thông được đưa vào cấp cứu tại BV huyện và bị chẩn đoán gãy mâm chày. Các BS đã chỉ định nẹp máng bột từ đùi xuống. Tuy nhiên, sau đó chân sưng to, đau nhức dữ dội, gia đình đã chuyển ông vào BV Đa khoa tỉnh.
Các BS ở BV tỉnh đã xác nhận ông không chỉ gãy mâm chày mà còn chấn thương gót chân trái và chuyển lên BV Chợ Rẫy TPHCM. Tại đây, các BS đã tiến hành cắt bỏ chân vì đã hoại tử.
Lãnh đạo BV huyện Cái Bè cho rằng, bệnh nhân sau khi về nhà đã tháo bỏ máng bột và không quay lại tái khám theo yêu cầu của BS. Đến khi vào BV tỉnh thì nơi đây lại tiếp tục đặt lại máng bột như BV huyện và nằm lại điều trị một ngày, sau đó mới chuyển lên BV Chợ Rẫy; vì thế, trách nhiệm trong vụ này chưa hẳn thuộc về BV Cái Bè. Lý do ông Hạnh đòi BV huyện bồi thường 204 triệu là do: Cả hai vợ chồng ông không có đất sản xuất phải đi làm thuê, con còn đi học. Việc ông bị cưa chân thì không thể đi làm được nên BV Cái Bè phải có trách nhiệm bồi thường chi phí điều trị và thiệt hại do mất thu nhập.
Tương tự như trường hợp của ông Hạnh, bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (38 tuổi, trú tại Thới Lai, Cần Thơ) vừa có đơn khởi kiện BV Đa khoa TP.Cần Thơ và yêu cầu bồi thường thiệt hại 350 triệu đồng do bị êkíp mổ của BV cắt nhầm 2 quả thận của mình.
Trước đó, bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi thận trái ứ nước. Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, bệnh nhân bị phù nề nên gia đình đưa đi siêu âm lại, đã phát hiện chị Tú bị cắt mất 2 quả thận. BS phẫu thuật chính đã thừa nhận việc cắt 2 quả thận và nguyên nhân được BV đưa ra là chị Tú bị thận móng ngựa.
Đến tháng 7.2012, chị Tú được BV Đa khoa TƯ Huế ghép thận thành công. Theo gia đình bệnh nhân này, suốt tám tháng điều trị tại BV TƯ Huế, mỗi tháng BV Đa khoa TP.Cần Thơ hỗ trợ 6 triệu đồng. Nhưng từ ngày 5.9.2012, BV chỉ hỗ trợ 3.000.000 đồng/tháng. Đến ngày 24.5 vừa qua, BV thông báo ngừng chu cấp tiền cho chị Tú, chỉ hỗ trợ về y tế. Sau đó, thấy không ổn, BV đã đưa tiền trợ cấp trong tháng 6 là 3 triệu đồng.
Theo đơn khởi kiện, gia đình yêu cầu BV Cần Thơ bồi thường các khoản thiệt hại bao gồm: Chi phí chữa bệnh hợp lý, thu nhập thực tế bị mất từ chăn nuôi, thu nhập bị mất của anh Trí, khoản tiền bù đắp về tinh thần, trợ cấp cho 3 đứa con... hơn 350 triệu đồng. Ngoài ra, chị Tú cũng yêu cầu, nếu sức khỏe chị có biến chứng phải điều trị thì BV phải trả chi phí điều trị, ăn uống, đi lại...
Được biết gia đình chị Tú thuộc diện hộ nghèo, ba đứa con trong độ tuổi đi học. Sau khi chị bị cắt mất hai quả thận, sức khoẻ yếu nên không thể làm việc để có thu nhập. Người chồng nghỉ làm để chăm sóc cho vợ bệnh và ba con nên kinh tế rất khó khăn.
Kiện khó thắng
Tuy nhiên, để kiện BV đòi được số tiền mà các nạn nhân đưa ra là chuyện không phải dễ. Lâu nay, tại nhiều BV, việc các BS chẩn đoán sai; phẫu thuật, điều trị để xảy ra tai biến, gây tử vong cho người bệnh... nhưng cuối cùng chỉ được BV “rút kinh nghiệm”... hoặc đóng cửa bảo nhau và cuối cùng hậu quả nặng nề lại đẩy cho gia đình nạn nhân gánh chịu. Đơn cử, vụ nạn nhân Phạm Phú Chung - 19 tuổi ở Đà Nẵng - bị tử vong do BS tắc trách; vụ em Nguyễn Thị Bích Hiền - 19 tuổi, ở tổ 1, thôn An Hòa, xã Tam An, huyện Phú Ninh - cũng bị tử vong do BS BV Đa khoa Quảng Nam chẩn đoán sai bệnh... Các trường hợp sai sót trên đều để lại hậu quả nặng nề, tuy nhiên, chưa thấy BV nào “dũng cảm” đứng ra nhận trách nhiệm...
Bệnh nhân sau phẫu thuật bị mù mắt tại BV Mắt TPHCM.
BS Nguyễn Hoàng Bắc - BV Đại học Y-Dược TPHCM - cho rằng, ngành y cũng như các ngành nghề khác, có đúng có sai, có thành công và thất bại. Việc điều trị- đặc biệt là phẫu thuật cho bệnh nhân- cũng vậy. Không phải cứ mổ là bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn mà y khoa luôn có những tỉ lệ rủi ro, tai biến...
Biết là vậy, nếu tai biến, rủi ro do khách quan thì lại là khía cạnh khác. Còn ở đây, nhiều lúc sự việc xảy ra “sai mười mươi” nhưng BV cứ dây dưa hoặc im lặng và để thời gian xoá dần sự việc. Chẳng hạn vụ nạn nhân Phạm Thị Thanh Xuân (26 tuổi, trú tại phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) bị đau bụng vào BV Đa khoa Phú Thọ thăm khám. BV chẩn đoán bị “u nang buồng trứng bên phải bán xoắn” và chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, BS đã cắt buồng trứng bên trái mà không thông báo cho bệnh nhân biết. Suốt hơn ba năm xảy ra sự việc, nhưng bệnh nhân vẫn chưa tìm được lẽ công bằng.
Luật sư Võ Vương Quân - Đoàn luật sư TPHCM - cho rằng, để kiện BS và BV không dễ chút nào, vì nhiều trường hợp không có giám định pháp y. Thông thường, cả nạn nhân và luật sư vì không có kiến thức y khoa nên đành phải chờ hội đồng chuyên môn của BV họp. BV vừa làm sai, lại vừa thành lập hội đồng để xem xét mình có sai hay không liệu có khách quan? Nếu gia đình không đồng ý với kết quả trên, có thể khiếu nại lên sở y tế. Hội đồng chuyên môn do sở thành lập cũng căn cứ vào bệnh án do BV cung cấp. Nếu BV cố tình “làm đẹp” bệnh án thì cũng khó có thể phát hiện được...
Theo luật sư Quân, nếu để sự việc trôi qua hằng tuần, hằng tháng, thậm chí một năm sau mới khiếu nại thì vụ việc có thể diễn tiến theo hướng khác, khi đó xác định ai đúng, ai sai rất khó. Đây cũng là nguyên nhân khiến những vụ kiện liên quan đến y tế vừa phức tạp, vừa không thể giải quyết dứt điểm.
Theo Võ Tuấn
Lao động