Liên tiếp các ca nguy kịch vì tự dùng thảo dược chữa bệnh

Tú Anh

(Dân trí) - Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều trường hợp tự dùng các loại thảo dược theo quan niệm dân gian để chữa tiểu đường, viêm khớp... dẫn đến tình trạng nguy kịch.

Liên tiếp ca ngộ độc tự dùng thảo dược

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, hai vợ chồng bệnh nhân ở Kiên Giang được chuyển đến trong tình trạng teo cơ, hạn chế vận động hai tay, nói khó và liệt 2 chân.

Liên tiếp các ca nguy kịch vì tự dùng thảo dược chữa bệnh - 1

Bệnh nhân yếu cơ, liệt chân sau khi sử dụng hạt muồng phòng bệnh tiểu đường.

Cả hai vợ chồng bệnh nhân tuy chỉ số đường huyết hơi cao, nhưng chưa đến ngưỡng mắc bệnh, nên khi được cho hạt đậu muồng đã tích cực ăn, hi vọng có thể phòng bệnh.

Bà P.T.X. cho biết, ban đầu, mỗi ngày hai vợ chồng bà chỉ ăn khoảng 2 hạt đậu muồng, sau đó có ăn nhiều hơn và ăn hàng ngày. Sau khi dùng hạt muồng được khoảng 3 tháng, bà X. thấy người mệt mỏi, suy nhược, chân tay yếu và cân nặng sụt giảm 15kg nên đi khám tại bệnh viện ở Kiên Giang. Sau đó, chồng bà cũng có triệu chứng tương tự nên cả hai đã lên khám tại TPHCM.

Các bác sĩ chẩn đoán vợ chồng bà bị viêm đa dây thần kinh, phải châm cứu và bấm huyệt, nhưng tình trạng yếu chân tay càng lúc càng trầm trọng, liệt cả 2 chân và phải di chuyển bằng xe lăn.

Các bác sĩ ở BV gửi mẫu máu của vợ chồng bà sang Singapore để xét nghiệm và kết quả cho thấy bệnh nhân nghi bị nhiễm độc kim loại nặng, được giới thiệu ra Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Ngày 12/4, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm chống độc trong tình trạng teo cơ, hạn chế vận động hai tay, nói khó và liệt 2 chân.

TS Nguyên cho biết, hai bệnh nhân được kiểm tra, xét nghiệm, hội chẩn nhiều chuyên khoa. Bệnh nhân cũng đã được sinh thiết cơ cho thấy có dấu hiệu cơ bị xơ, teo và thoái hóa.

Mẫu cây bệnh nhân mang tới là cây muồng tây, hay muồng lá khế, tên khoa học là Senna occidentalis (hay còn gọi là Cassia occidentalis). Bệnh nhân bị ngộ độc trong một thời gian khá dài khiến teo hết cơ dẫn đến yếu liệt tất cả các chi. Trung tâm Chống độc đã nỗ lực điều trị bằng những giải pháp tối ưu nhất. Sức khỏe bệnh nhân đã được cải thiện một phần nhưng về lâu dài thì nguy cơ vẫn có để lại di chứng.

Theo đó, sau hơn một tháng điều trị tích cực với 8 lần lọc máu và thay huyết tương, sức khỏe của vợ chồng bà X. đã dần cải thiện. Ông N. đã có thể cầm được bát cơm, tự đứng lên được và bước quanh giường. Bà X. đã nói rõ, nuốt bình thường, tự nâng được bát cơm và tự đứng dậy trên đôi chân của mình.

Theo TS Nguyên, đây là hai trường hợp ngộ độc cây hạt muồng đầu tiên của Việt Nam được phát hiện. Trên y văn thế giới mới chỉ công bố một số ít ca ngộ độc ở trẻ em Ấn Độ (phần lớn các trẻ đó đã tử vong). Tình trạng ngộ độc loại cây này xảy ra nhiều ở các gia súc, gia cầm ở các nước. Độc tố trong cây muồng tây này là anthraquinone, độc tố có ở toàn bộ cây nhưng tập trung ở hạt, đã được ghi nhận gây độc với cơ, thần kinh, đặc biệt gây hoại tử cơ, thoái hóa cơ, tổn thương gan, não và tử vong trên người và động vật.

"Cây rất độc, độc tố tập trung tại hạt nhiều nhất, có thể gây tử vong nhưng trong dân gian lại lan truyền miệng khuyên dùng như một bài thuốc để chữa bệnh, rất nguy hiểm", TS Nguyên cảnh báo.

Trước đó, Trung tâm cũng điều trị cho 2 trường hợp ở Nghệ An do lấy rễ cây từ rừng về ngâm rượu uống để chữa bệnh xương khớp.

Liên tiếp các ca nguy kịch vì tự dùng thảo dược chữa bệnh - 2

Một bệnh nhân điều trị tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Bệnh nhân đầu là nam 60 tuổi, khi bị bệnh đau xương khớp, theo lời mách của một "bà dân tộc" lên rừng đào rễ cây mú từn (tên gọi địa phương) về ngâm rượu để uống, khoảng 50ml/ngày. Sau 10 ngày sử dụng sản phẩm rượu ngâm, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, huyết áp tăng cao.

Khi cấp cứu tại BV địa phương, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tăng nặng, có cơn co quắp chân tay khoảng 30 phút nên được chuyển đến Trung tâm chống độc.

Một trường hợp khác, nam bệnh nhân L.B.T. (50 tuổi, cũng ở Nghệ An). Bệnh nhân có tiền sử uống rượu thường xuyên, khoảng 500ml/ngày. Bệnh nhân làm nghề đi biển và cách vào viện 5 ngày bệnh nhân cũng uống rượu ngâm rễ cây rừng theo lời mách của một "bà dân tộc" để chữa bệnh xương khớp, khoảng 150ml/ngày.

Vợ bệnh nhân cho biết, sau 3 ngày uống rượu ngâm rễ cây, bệnh nhân xuất hiện chóng mặt, đau bụng thượng vị, buồn nôn nhưng bệnh nhân vẫn đi biển. Trên tàu, bệnh nhân xuất hiện đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều nên được đưa đi cấp cứu và chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

TS Nguyên cho biết, các bệnh nhân đều có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, khó thở, thở nhanh và đến viện trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, hôn mê, có tổn thương não. Xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân phát hiện Salicylate có nguồn gốc từ rễ cây. Đây là một loại thuốc giảm đau có trong nhiều loại cây cỏ tự nhiên, có thể được dùng để chữa giảm đau, tuy nhiên nó có độc tính nhất định nếu việc kiểm soát không đảm bảo về liều lượng, cách dùng. Do đó nếu uống các loại rượu ngâm một cách "thoải mái" như thế này thì rất dễ bị ngộ độc.

Không tùy tiện sử dụng

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, thời gian gần đây có xu hướng người dân lạm dụng các loại dược liệu không rõ nguồn gốc, không được chứng minh rõ ràng về công dụng. Thậm chí có ca ngộ độc rượu ngâm dược liệu, kết quả kiểm nghiệm còn phát hiện cả lá ngón lẫn trong dược liệu trôi nổi này.

Nhiều người cứ nghe ai nói con vật gì, nội tạng động vật, loại cây cỏ nào có công dụng bổ dưỡng, hay bổ dương, trị bệnh là đem nguyên con, nguyên cây, nguyên củ thả vào rượu ngâm rồi uống, từ rắn, rết, bò cạp, bìm bịp, các loại cỏ cây hoa lá đến hoa thuốc phiện. Thậm chí cả những loại không hề có bằng chứng khoa học nhưng người dân vẫn nghĩ bổ và uống, không bổ ngang cũng bổ dọc. Trong khi đó thực tế đã có nhiều trường hợp tử vong vì rượu ngâm.

Có thời điểm rộ lên trào lưu ngâm rượu hoa anh túc vì "tốt đủ thứ". Trong khi đó, bác sĩ cảnh báo, nếu không may bị ngộ độc cấp rượu ngâm hoa anh túc thì nguy cơ tử vong tăng lên gấp hai lần do ngộ độc rượu và ma túy. Còn về lâu dài, gây nghiện thì như một người nghiện rượu và nghiện ma túy với đủ nguy cơ về sức khỏe.

Ông Phong cho biết, hầu như năm nào Cục An toàn thực phẩm cũng nhận được báo cáo về các trường hợp ngộ độc rượu ngâm rễ cây, lá cây rừng được quảng cáo là tốt cho sức khỏe, chữa được bệnh.

"Dù là vị thuốc hay, nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì nó sẽ trở thành độc hại nữa là các loại cây lá, vật nuôi, nội tạng động vật chưa được chứng minh thực hư hiệu quả ra sao, người dân cứ ngâm uống bừa là rất nguy hiểm, chưa kể một loạt mối nguy từ rượu mang lại", ông Phong nói.