1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Liên tiếp 3 người bị sốt xuất huyết “đoạt mạng”

(Dân trí) - Chủ quan, nhập viện trễ khi mắc bệnh sốt xuất huyết đã khiến 3 trường hợp tại TPHCM liên tiếp tử vong. Sốt xuất huyết gây ra những biến chứng đặc biệt nguy hiểm, cộng đồng nên chủ động phòng và điều trị bệnh.

Bệnh nhân sốc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho biết, 2 tháng qua được xem là giai đoạn thấp điểm của dịch bệnh hàng năm, các loại bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đều giảm nhưng mức giảm khá chậm.

Liên tiếp 3 người bị sốt xuất huyết “đoạt mạng” - 1

Muỗi gây bệnh có thể sinh sản trong những vật dụng chứa nước đơn giản như bình bông, bát nhang ngoài trời

Nhưng đi cùng với đà giảm của dịch bệnh là tâm lý chủ quan từ cộng đồng đã khiến ít nhất 3 trường hợp bị sốt xuất huyết cướp đi mạng sống. Cả 3 ca tử vong đều xảy ra trong tháng 4, nạn nhân xấu số là 2 người lớn ngụ tại huyện Củ Chi; quận Bình Tân và 1 trẻ nhỏ ngụ tại quận Tân Phú.

Điều tra dịch tễ ghi nhận, khu vực các nạn nhân sinh sống đang có sốt xuất huyết lưu hành. Trước khi nhập viện, các bệnh nhân đều có những biểu hiện đặc trưng của sốt xuất huyết. Tuy nhiên, do chủ quan và nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh còn thấp nên người bệnh nhập viện trễ, khi rơi vào nguy kịch với những biểu hiện sốc, suy đa cơ quan gia đình đưa đến bệnh viện nhưng việc điều trị không mang lại kết quả.

Liên tiếp 3 người bị sốt xuất huyết “đoạt mạng” - 2

Những ca bệnh tử vong do sốt xuất huyết đều nhập viện trễ, đã biến chứng nặng

Một trường hợp khác cũng bị sốt xuất huyết đang trong tình trạng nguy kịch là bé Võ Thị Trinh (13 tuổi). Bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong tình trạng nặng. Các bác sĩ chẩn đoán cô bé bị sốc, suy đa cơ quan, xuất huyết nặng. Hiện bệnh nhân đang phải thở máy, lọc máu, điều trị tích cực, diễn tiến bệnh có khả thi nhưng tiên lượng còn dè dặt.

Thống kê sơ bộ của Trung tâm Y tế Dự phòng cho thấy, đến hết tháng 3/2019 toàn thành phố có khoảng 21.000 người được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Số ca bệnh đã tăng 230% so với cùng kỳ năm 2018. Lý giải cho mức tăng “khủng” của dịch sốt xuất huyết, BS Hồng Nga cho rằng: “Đỉnh dịch của năm 2018 – 2019 rơi vào tuần thứ 3 của năm nay, trễ hơn đỉnh dịch năm trước khoảng 10 tuần. Số ca bệnh giảm chậm nên tích lũy những tháng đầu năm 2019 cao hơn cùng kỳ”.

Liên tiếp 3 người bị sốt xuất huyết “đoạt mạng” - 3

Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, cộng đồng không nên chủ quan

Hiện, khu vực Nam Bộ nói chung và TPHCM nói riêng đang bước vào mùa mưa, cùng với di biến động dân cư, đô thị hóa, thời tiết mưa nhiều sẽ tạo môi trường thuận lợi cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh trưởng, phát triển. Trong bối cảnh, sốt xuất huyết còn lưu hành trên diện rộng với nhiều ổ dịch hoành hành tại các quận huyện, số ca bệnh ở mức cao, TPHCM đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với những nguy hiểm khôn lường của sốt xuất huyết trong thời gian tới.

Để chủ động kìm hãm sự gia tăng của sốt xuất huyết khi bước vào mùa mưa, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung xử lý triệt để các ổ dịch hiện hành, ổ dịch lan rộng. Ngành y tế kêu gọi người dân tập trung triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, che kín hoặc lật úp các vật dụng có thể chứa nước, thực hiện các giải pháp diệt muỗi bằng hóa chất, ngủ mùng thường xuyên để tránh nguy cơ bị muỗi đốt, đồng thuận và hỗ trợ cho chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi triển khai tại địa phương.

Liên tiếp 3 người bị sốt xuất huyết “đoạt mạng” - 4

Đô thị hóa, ô nhiễm môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến các thành phố lớn đối mặt với sốt xuất huyết

Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 đến 400C, tình trạng sốt kéo dài 2 tới 7 ngày, khó hạ sốt. Bệnh nhân sẽ đối mặt với đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban ngoài da. Ở thể bệnh nặng bệnh nhân sẽ bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp).

Để tránh biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết gây ra, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh phải nhanh chóng đến bệnh viện để được khám, điều trị. Gia đình có người mắc bệnh cần thông báo cho trạm y tế địa phương để có giải pháp khoanh vùng, xử lý không để bệnh lây lan trên diện rộng.

Vân Sơn