LHQ cảnh báo chủng cúm gia cầm biến thể nguy hiểm ở châu Á

(Dân trí) - Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) vừa cảnh báo về một chủng loại virut H5N1 gây chết người có thể biến thành một dịch cúm nữa nguy hiểm ở khu vực châu Á.

 
LHQ cảnh báo chủng cúm gia cầm biến thể nguy hiểm ở châu Á - 1

Năm 2008, dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại.

Trong thông cáo được công bố hôm qua, 29/8, FAO đã kêu gọi châu Á đề cao cảnh giác để đối phó với dịch cúm gia cầm vào lúc virut H5N1 đang biến dạng.

Theo thông cáo của FAO, từ đầu năm nay, đã có 8 trường hợp bị lây nhiễm tại Campuchia và tất cả các nạn nhân đều đã tử vong. Ca mới nhất đã xảy ra hồi đầu tháng.

FAO lo ngại virut H5N1 gây ra những hậu quả khó lường đối với sức khỏe của con người.

Theo một chuyên gia của FAO, trong 24 tháng qua, hiện tượng dịch bệnh hoành hành trở lại do hiện tượng chim di trú. FAO đặc biệt lo ngại H5N1 đang biến dạng sẽ phát triển tại hai nước Trung Quốc và Việt Nam.

FAO cho hay những vắc xin hiện có không thể ngăn chặn loại virut cúm gà mới, đang lan tràn tại hai nước này. Virut biến dạng gây cúm gia cầm đã bắt đầu hoành hành tại một phần ở các khu vực miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

“Dịch bệnh đã có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến các như Campuchia, Thái Lan, Malaysia và sẽ ảnh hưởng đến các vùng như bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản”, thông cáo của FAO viết.

FAO kết luận: tại châu Á, các nước Bangledesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đang phải đối phó với dịch cúm gia cầm và không một quốc gia nào tại khu vực này có thể được coi là an toàn trước nguy cơ H5N1 hoành hành.

Vẫn theo FAO, virut kể trên mới đây đã lan tới những khu vực như Romania, Bulgaria, Israel, lãnh thổ Palestine, Nepal và Mông Cổ.

Bệnh cúm gia cầm bùng phát lần đầu tiên vào năm 2003 tại châu Á. 565 người bị lây nhiễm và 331 bệnh nhân trong số này đã thiệt mạng. Các quốc gia liên quan đã tiêu hủy hơn 400 triệu gia cầm. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới gần 20 tỷ USD khi bệnh dịch lên tới đỉnh điểm vào năm 2006.

Năm 2008, dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại.

FAO kêu gọi tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó và theo dõi sát để chống lại nguy cơ có thể tái bùng phát một đợt dịch lớn.
Việt Hà
Theo AP, AFP