Lên tiếng về vụ “thổi phồng dịch cúm”
Lần thứ 2 có thông tin về việc dịch cúm A/H1N1 đã bị thổi phồng, TS Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế (WHO) tại Việt Nam khẳng định: “Những quyết định đưa ra đều có căn cứ khoa học đã được nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ”.
Học sinh tiểu học trường Chính Nghĩa, Q.5 đi học mùa cúm (Ảnh tư liệu)
Đại dịch cúm A/H1N1 lần này được xác định do chủng virus mới, bất định nên việc dự báo chắc chắn nó có gây ra bệnh nặng hay không là rất khó. WHO đưa ra nhận định tình hình nguy hiểm của dịch cúm là dựa trên những số liệu, bằng chứng khoa học, giám sát để dự báo tình hình dịch.
Cúm mùa thường tấn công vào người già, người mẫn cảm nhưng cúm H1N1 vừa qua lại tấn công vào người trẻ, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh mãn tính. Các ca bệnh phục hồi nhanh, có bệnh cảnh nhẹ nhưng không vì thế mà chủ quan.
WHO tại Việt Nam sẽ có thông báo sớm nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng về những thông tin vừa qua.
Đây là lần thứ hai thông tin này được nêu ra. Lần đầu tiên vào đầu năm 2010, WHO cũng không đưa ra phản ứng nhiều. Nếu thông tin sai WHO có thể kiện hoặc phản bác nhưng WHO không làm việc này. Tại sao?
Các phương tiện thông tin đại chúng cho rằng việc thổi phồng dịch cúm đã để các công ty dược thu lời. Bởi khi có đại dịch xảy ra, phải dựa vào 2 điều để đối phó với dịch là sản xuất văcxin và thuốc. Ở đây là vắc-xin cúm và Tamiflu
Nhưng tất cả mọi dự báo đều dựa trên những bằng chứng khoa học. Những quyết định đưa ra đều có căn cứ khoa học đã được nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ. WHO có nhiều chuyên gia khác nhau đều từ nhiều nước nên việc đưa ra nhận định tình hình cũng như cách xử trí là rất chặt chẽ.
Việt Nam là một trong những nước có dịch xảy ra, nhưng cũng chưa có phản ứng gì trước thông tin này. Vậy WHO đánh giá tình hình dịch cúm của Việt Nam như thế nào?
Đến thời điểm này, số ca mắc và tử vong của Việt Nam đã giảm hẳn. Việt Nam là một nước kiểm soát tình hình dịch bệnh tốt. Việt Nam có kinh nghiệm trong phòng chống SARS và H5N1. Chẳng hạn, công tác sàng lọc người nguy cơ được thực hiện ngay tại sân bay.
Với tình hình dịch bệnh đã giảm tại sao WHO chưa hạ mức cảnh báo cũng như không có thông báo gì?
Chúng ta cần phân biệt đại dịch và dịch. Dịch thì mỗi quốc gia có thể tự đánh giá. Tuy nhiên, đại dịch thì phải do WHO công bố. Đến thời điểm này, WHO nhận định tình hình dịch ở nam bán cầu vẫn chưa giảm, số người mắc và tử vong vẫn cao.
Thứ trưởng bộ Y tế: Nên hạ mức cảnh báo
Một lần nữa thông tin đại dịch cúm A/H1N1 bị thổi phồng được đưa ra. Theo thông tin trên, qua việc thổi phồng dịch bệnh tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đem đến cho các tập đoàn dược phẩm thế giới một lợi nhuận lên đến 7-10 tỉ USD qua việc bán vắc-xin cúm A/H1N1.
Tuy nhiên, đến thời điểm này WHO vẫn chưa có ý hạ mức cảnh báo xuống. Việt Nam, một thành viên của WHO, vẫn chờ quyết định từ tổ chức này mặc dù số ca mắc cúm tại Việt Nam đã giảm rõ rệt.
Theo báo cáo của bộ Y tế, tính đến hết tháng 5/2010, tích luỹ số ca mắc/tử vong từ đầu vụ dịch cúm tới nay là 11.211/58. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh thời gian gần đây giảm đi rõ rệt, như tháng 5 vừa qua không ghi nhận một ca nào. Hiện mức độ cảnh báo dịch cúm H1N1 ở Việt Nam vẫn ở mức 6 dù không ghi nhận ca mắc mới ở 15 điểm giám sát dịch trên cả nước.
Đầu năm 2010, thông tin đại dịch cúm A/H1N1 bị thổi phồng, đại diện WHO tại Việt Nam đã gửi văn bản tới các cơ quan thông tấn, khẳng định: WHO không hề thay đổi định nghĩa đại dịch trong suốt tiến trình vụ bùng phát dịch cúm A/H1N1. Tuy nhiên, WHO đã thừa nhận một số nhầm lẫn xuất phát từ thực tế là, đã có một tài liệu trên trang web của WHO trong một vài tháng có nói rằng, một đại dịch có thể bao gồm “số lượng rất lớn các ca mắc và các ca tử vong”.
Thông tin này đã được gỡ bỏ sau khi WHO nhận thấy không chính xác. Thông tin này không bao giờ là một phần trong định nghĩa chính thức về một đại dịch và chưa bao giờ là một phần trong các tài liệu gửi tới các quốc gia thành viên nhằm phục vụ công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch. WHO lấy làm tiếc vì sự nhầm lẫn mà thông tin này gây ra.
Thứ trưởng bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết, thời điểm WHO nâng mức cảnh báo dịch cúm đã lây lan ra nhiều quốc gia. Trong vòng hai tháng dịch đã lây lan sang các nước trên toàn cầu. Đây là một trong những dịch nguy hiểm bởi vì virút cúm A/H1N1 đã từng gây ra đại dịch có tỷ lệ tử vong rất cao vào năm 1918 ở Tây Ban Nha. Do đó, WHO đã thấy mức độ nguy hiểm qua sự lây lan và số ca mắc tăng nhanh. Việt Nam thời điểm đó cũng tăng nhanh số ca mắc. Khi thế giới nâng cấp độ dịch lên mức 6 thì bộ Y tế đã xây dựng ngay kế hoạch hành động và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nhưng rất may do khống chế tốt nên tỷ lệ tử vong không cao.
Cũng theo thứ trưởng Huấn, thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa nhận được phản hồi từ WHO về thông tin trên. Nhưng với tình hình thực tế hiện nay, số ca mắc giảm cũng nên hạ mức cảnh báo của dịch cúm A/H1N1. |
Theo Lệ Hà
SGTT