Lên cơn hen do chơi thể thao?

Hen (suyễn) là bệnh viêm mạn tính của phế quản. Hiện tượng viêm phù nề này là hậu quả của sự phối hợp giữa phế quản “yếu ớt” của người bệnh và tác nhân gây hen đến từ môi trường bên ngoài hay bên trong cơ thể.

Nhiều người sinh ra đã có cơ địa dễ bị hen. Thường trong gia đình những người này có người thân cũng bị hen, chàm, mày đay, viêm mũi dị ứng… Ở người này, hen xảy ra quanh năm; ở một số người dị ứng với phấn hoa, hen xảy ra theo mùa. Hen cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc với một vài loại hoá chất, nhiễm virút… Nếu người mẹ đang mang thai lại hút thuốc lá, đứa trẻ sinh ra cũng tăng nguy cơ bị hen.

 

Hen do hoạt động thể lực


Hen do hoạt động thể lực

 

Nếu có tiền sử hen thì đừng gắng sức khi chơi thể thao, và luôn khởi động đúng cách. Ảnh: Vũ Cao

 

Hen do hoạt động thể lực có một cơ chế hỗn hợp rất phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người yêu thích thể thao hoặc các vận động viên, nhưng đến nay khoa học chưa làm sáng tỏ bản chất vấn đề.

 

Biểu hiện: nặng ngực, ho, thở hụt hơi, khò khè và những biểu hiện đặc thù đi kèm là nhanh mệt, chơi không hết thời gian tập luyện hoặc thi đấu, thời gian hồi phục kéo dài. Các yếu tố khiến tình trạng hen dễ xảy ra hơn bao gồm: hoạt động cần sức lực nhiều, thời gian hoạt động thể lực dài hơn 8 – 10 phút, sự tập trung cao độ…

 

Các nguyên nhân kích thích: bệnh ban đầu thiếu kiểm soát cũng như các bệnh viêm mũi dị ứng không điều trị, bệnh nhiễm khuẩn hô hấp; ô nhiễm không khí, bụi phấn hoa, các chất hoá học như thuốc sát trùng hồ bơi, sơn…; do sử dụng thuốc hạ sốt giảm đau (Aspirin, kháng viêm không có nhân steroid), thuốc lợi tiểu – chẹn giao cảm bêta chữa bệnh tim mạch…

 

Phòng tránh: trước khi thực hiện một hoạt động thể lực nào đó, người bệnh nên dành một ít thời gian khởi động, làm ấm dần lên và tương tự như vậy, khi kết thúc hoạt động. Cần tránh gắng sức khi người bị hen đang có những đợt bệnh nhiễm trùng hô hấp như: cảm lạnh, cúm hoặc viêm phế quản. Cần tránh hoạt động quá sức trong thời tiết quá lạnh, khi có bệnh dị ứng kèm theo và đang có dấu hiệu kích thích phế quản. Không được hút thuốc lá.

 

Cách chăm sóc, điều trị

 

Nếu gắng sức chỉ đơn thuần là yếu tố kích thích gây triệu chứng hen không thường xuyên thì không cần phải dùng thuốc phòng ngừa hàng ngày. Chỉ sử dụng thuốc trước khi người hen có hoạt động thể chất để dự phòng cơn hen xảy ra. Khi đó, thuốc phổ biến thường dùng là một loại kích thích giao cảm ngắn (salbutamol bơm xịt) hoặc một loại khác có tính chất kháng viêm nhẹ (antileucotriens). Nếu triệu chứng hen do gắng sức thường xuyên xuất hiện, bệnh nhân cần được điều trị hàng ngày để giảm viêm phế quản nhằm ngăn chặn cơn hen cùng lúc xảy ra với hoạt động thể lực.

 

Người bệnh hen nếu được điều trị thích hợp, hoàn toàn không phải chấp nhận cuộc sống hạn chế. Nhiều vận động viên, kể cả các nhà quán quân thể thao bị hen vẫn đạt được thành tích tuyệt đỉnh trong các cuộc tranh tài quốc tế. Điều này chứng minh hen không cản trở người mắc bệnh được hưởng một cuộc sống có ý nghĩa với đầy đủ các hoạt động tích cực về thể chất.

 

Theo BS.CK2 Trương Văn Vĩnh

Sài Gòn tiếp thị