Lãnh nạn khi chăm bệnh nhân tâm thần

Đã có nhân viên y tế ra đi vì quá khổ sở trong điều trị, chămsóc bệnh nhân tâm thần. Không ít trường hợp nhân viên y tế bị bỏng, gãyrăng, gãy xương… do người tâm thần gây ra.

Tối 3/8, điều dưỡng Võ Văn Đấu đã trút hơi thở cuối cùng trong vô vàn tiếc thương của đồng nghiệp và người thân. “Hơn nửa tháng qua, con tôi luôn trong tình trạng mê sảng. Bác sĩ (BS) nhiều lần hỏi có muốn đưa con về nhà không. Tôi năn nỉ BS cố gắng cứu chữa tới đâu hay tới đó. Đội ngũ y, BS của BV đã hết lòng cứu chữa. Vậy mà…”, bà Ngô Thị Chung, mẹ anh Đấu, nói trong nước mắt. Anh Đấu là một trong những nạn nhân khi hỗ trợ điều trị bệnh nhân tâm thần.

Gây bỏng 70% cơ thể điều dưỡng

Anh Võ Văn Đấu (26 tuổi), là điều dưỡng của Bệnh viện (BV) Tâm thần tỉnh Tiền Giang. Tối 12-7, anh được BV Tâm thần tỉnh Tiền Giang điều đến khu vực thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành để hỗ trợ đồng nghiệp đưa một bệnh nhân tâm thần đang bị kích động mạnh về BV điều trị.

Bệnh nhân này ôm khư khư bình xăng, liên tục quát tháo người thân và dọa đốt nhà. Anh Đấu lao vào giữ chặt bệnh nhân và cố giựt lấy bình xăng. Trong lúc giằng co, bệnh nhân tạt xăng vô người anh Đấu. Xăng bắt lửa từ lò than tổ ong của người bán bánh bao gần đó khiến lửa bao trùm toàn thân anh. Ngay sau đó, anh Đấu được đưa tới BV Đa khoa tỉnh Tiền Giang cấp cứu.

Nhận được tin báo, mẹ anh hớt ha hớt hải chạy tới BV Đa khoa tỉnh Tiền Giang nhưng tìm hoài không thấy. Khi nhân viên BV dẫn tới một bệnh nhân cháy đen, kêu la đau đớn, người mẹ ngã qụy. “Tôi không thể nhận ra con, mặc dù chạy ngang mấy lần. Nhìn con bị biến dạng hoàn toàn tôi khóc ngất, đau quặn cả ruột. Sau đó Đấu được chuyển lên BV Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu. BS cho biết con tôi bị bỏng 70% cơ thể, sốc nhiễm trùng nặng. Vết bỏng sâu khiến nó bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo và lọc máu liên tục”, bà Chung quệt nước mắt.

Từ ngày anh Đấu bị nạn, vợ chồng bà Chung bỏ cả công ăn việc làm, sớm hôm chăm sóc con. Gia cảnh vốn đã nghèo, vợ anh Đấu cũng nghỉ làm ở một công ty giày da, vừa trông chừng đứa con gái bốn tuổi vừa chạy lên chạy xuống thăm nom chồng, giờ thì đành buông xuôi…

Lãnh nạn khi chăm bệnh nhân tâm thần - 1
Điều dưỡng Võ Văn Đấu bị bỏng 70% cơ thể, gương mặt anh cháy đen sau khi giằng co bình xăng với người tâm thần đã trút hơi thở vào tối 3-8. Ảnh: TRẦN NGỌC

Đánh… gãy răng hộ lý

Không riêng anh Đấu, nhiều nhân viên y tế bị bệnh nhân tâm thần đánh, đấm trong lúc chăm sóc, điều trị cho họ.

Công tác tại khoa Nội trú BV Tâm thần TP.HCM được 27 năm, bà Tống Minh Lâm (52 tuổi) không thể nhớ hết những lần bị bệnh nhân tâm thần cho “ăn” đòn. “Tôi là hộ lý. Công việc hằng ngày là giữ cửa, phát cơm, đút cơm cho bệnh nhân tâm thần. Không ít lần tôi đút cơm nhưng bệnh nhân không chịu nhai, cứ ngậm hoài trong miệng. Nghe tôi năn nỉ một hồi, bệnh nhân cười thé rồi phun cơm đầy mặt mũi tôi.

Cũng có bệnh nhân không chịu ăn cơm, tôi phải nhỏ nhẹ dỗ dành. Nhưng họ có biết gì đâu, họ hất tung cả khay cơm vô người tôi rồi cười lớn” - bà Lâm nói. Có lần đang loay hoay lau chùi phòng, bà Lâm bị một nữ bệnh nhân tâm thần ôm chặt, giựt tóc, vừa đánh vừa la: “Mày cướp chồng tao! Mày cướp chồng tao!”.

Bệnh nhân tâm thần khi không lên cơn thì hiền lắm. Nhưng khi lên cơn thì họ “xuống tay” bất cứ lúc nào, không né tránh kịp. “Cách đây không lâu, tôi ngồi giữ cửa tại khu vực bệnh nhân nam. Một ông bảo tôi mở cửa để anh ta về nhưng tôi lắc đầu. Bất ngờ anh ta đỏ mặt, bặm môi, vung tay thọi một cú cực mạnh ngay miệng tôi khiến hai răng cửa bị gãy và văng xuống đất, môi sưng tù vù”, vừa nói, bà Lâm vừa chỉ hai răng giả mới trồng.

BS Vũ Kim Hoàn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Tâm thần TPHCM, cho biết: “Nhân viên y tế của BV Tâm thần TPHCM thường xuyên bị người bệnh tâm thần chửi mắng, la ó, thậm chí có lúc đánh, đá… Đã có lần nhân viên y tế nơi đây bị bệnh nhân tâm thần đánh gãy xương vai, phải nhập viện cấp cứu”.

“Nói gì thì nói chứ bệnh nhân tâm thần đáng thương lắm. Những lúc không lên cơn, họ hiền lành và rất dễ gần. Cho dù cực nhọc, vất vả và thường xuyên “ăn” đòn nhưng nhiều BS, điều dưỡng, hộ lý vẫn gắn bó công việc để sớm đưa người tâm thần về với cuộc sống bình thường” - BS Hoàng Minh Thưởng, khoa Nội trú BV Tâm thần TP.HCM, nói.

Bác sĩ chui gầm giường tránh đòn

BS Hoàng Minh Thưởng, khoa Nội trú BV Tâm thần TPHCM, chia sẻ: “Bữa trước, tôi thăm khám một bệnh nhân tâm thần nam đang điều trị nội trú. Bất thình lình, ông ta nhảy xuống giường, vung tay la lớn “hỏi làm gì, hỏi làm gì” rồi đạp mạnh vào người tôi. Không tránh kịp, tôi ôm bụng rồi ngã chúi xuống đất. Vẫn chưa hết cơn kích động, ông ta sừng sộ tiến tới tôi và giơ chân định đạp tiếp. Tôi la lớn, đồng thời chui dưới gầm giường để tránh đòn. May mà có đồng nghiệp chạy đến hỗ trợ”.

Ban ngày nhân viên y tế đông, xảy ra sự cố bất ngờ thì có người kịp thời hỗ trợ, ngăn cản. Buổi tối chỉ vài nhân viên y tế trực, khi bị người tâm thần dí đánh thì nhanh chân chạy vô phòng đóng cửa. “Bệnh nhân tâm thần mỗi khi bị kích động rất đáng sợ. Họ có thể đánh đấm bất kỳ ai, bất cứ lúc nào. Cách đây hai ngày, một BS đang khám cho bệnh nhân tâm thần nữ thì bà ta bất ngờ lên cơn, cầm giỏ xách đập túi bụi lên đầu BS này” - BS Thưởng nói.

Khi khám bệnh, các BS thường phải cho bệnh nhân ngồi thoải mái để giảm bớt sự căng thẳng. Hỏi bệnh với thái độ ân cần, từ tốn để bệnh nhân cảm thấy được an toàn, nâng đỡ. Tránh để bệnh nhân đứng và lớn tiếng cãi cọ vì lúc đó nhân viên y tế rất dễ bị bệnh nhân hành hung. Trên bàn khám không được để những vật dụng cứng, nhọn, đề phòng người bệnh sử dụng gây thương tích cho nhân viên y tế cũng như bản thân bệnh nhân. Tuy vậy, vẫn có những tình huống khó đỡ bất ngờ xảy ra.

BS Vũ Kim Hoàn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Tâm thần TPHCM.

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM