1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Lắng nghe” cơ thể mình

Người xưa nói: “Hữu ư trung tất hình ư ngoại” (cái có ở bên trong ắt biểu hiện ra bên ngoài). Điều này có ý nghĩa quan trọng trong dự báo bệnh tật để chủ động phòng ngừa và điều trị. Do vậy, bạn nên biết lắng nghe cơ thể mình.

 

“Lắng nghe” cơ thể mình


Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng hoặc biểu hiện khác thường chứng tỏ các chức năng, tạng phủ hoặc một bộ phận nào đó trong cơ thể có bệnh.

 

Dưới đây là một số triệu chứng, biểu hiện cần chú ý:

 

Đau: Đau là một triệu chứng của nhiều bệnh. Theo y học cổ truyền, “thông bất thống, thống bất thông” (nếu thông suốt thì không đau và đau là do không thông suốt, tắc nghẽn). Tùy theo vị trí, trạng thái đau có thể biết bệnh ở đâu, bệnh gì. Khi xuất hiện đau không nên chủ quan, coi thường.

 

Sốt: Sốt là phản ứng của cơ thể trước nhiều bệnh tật, thường là do đấu tranh giữa tà khí (bệnh tật) và chính khí (sức đề kháng) của cơ thể. Tùy theo mức độ và cách thức sốt có thể dự đoán được bệnh.

 

Viêm: Viêm là một bộ phận của cơ thể sưng tấy lên, thông thường viêm kèm theo nóng (sốt). Thông thường, viêm phần lớn do vi khuẩn và virus gây ra.

 

Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng: Mắt bị tối sầm với những đốm tối, sáng và những đường lằng nhằng gây mệt mỏi. Hoa mắt có thể là hậu quả của sự thiếu máu hoặc do huyết áp...

 

Đau dữ dội ở bụng: Đau có thể là triệu chứng của viêm ruột thừa, viêm tụy hoặc viêm túi mật. Khi các bộ phận này bị viêm nhiễm sẽ gây nguy hại đến tính mạng. Nên đi khám ngay để phát hiện và chữa trị.

 

Cẳng chân sưng to và đau: Có thể do bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Chỉ cần ngồi một chỗ liên tục từ 6 giờ trở lên là máu sẽ tụ ở cẳng chân và tạo thành cục máu đông. Huyết khối kích thước đủ lớn sẽ làm nghẽn tĩnh mạch ở chân và gây sưng đau.

 

Viêm ngón chân cái: Đó có thể là bệnh gút (thống phong), viêm khớp và thường gặp hơn ở nam giới. Bệnh gút được gây ra bởi các tinh thể axít uric tích tụ gây sưng và đau. Bệnh có thể gây sưng ngón chân cái hoặc các khớp khác nhưng chủ yếu là xung quanh các ngón chân, bàn chân, đầu gối, ngón tay, bàn tay và khuỷu tay.

 

Khi thấy các triệu chứng này, bạn nên giảm tiêu thụ các loại thịt, hải sản và tránh đường, đồ ngọt, nước giải khát, bia (nước có gaz) và rượu mạnh.

 

Nốt ruồi: Nốt ruồi là các nốt đặc biệt mang sắc tố màu đen hoặc đỏ. Chúng có thể mọc ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể và thường vô hại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nốt ruồi là dấu hiệu ung thư rất nguy hiểm.

 

Nốt ruồi phát triển nhanh, tự do, thay đổi về màu sắc, có đường kính lớn hơn 6 mm, không cố định… là dấu hiệu ung thư di căn nhanh, gây ung thư thứ phát ở gan, xương, phổi, não… cần sớm được điều trị.

 

Vàng mắt: Mắt bị vàng là biểu hiện rõ ràng của bệnh gan. Màu sắc này do chức năng gan suy giảm, sắc tố mật không thể xử lý kịp thời gây nên tích tụ và dư thừa bilirubin, ứ đọng trong máu và truyền đi khắp cơ thể gây hiện tượng vàng da và niêm mạc, rõ nhất ở niêm mạc mắt.

 

Rụng tóc: Nếu tóc rụng do nhuộm hoặc là uốn bằng hóa chất thì bạn nên dùng các loại mặt nạ đặc biệt, dầu thơm và dưỡng chất để phục hồi tóc. Bên cạnh đó, hiện tượng rụng tóc có thể là tín hiệu của sự thiếu hụt các nhóm vitamin B, kết quả của sự suy giảm hoạt động dạ dày hoặc ruột, sự rối loạn nội tiết tố, vấn đề về hormone tuyến giáp.

 

Khô môi: Nguyên nhân có thể do thiếu máu hoặc đang có dấu hiệu bị đái tháo đường.

 

Các vết nứt hay loét ở góc miệng được xem là căn bệnh thiếu máu, nguyên nhân do thiếu sắt. Việc sản xuất tế bào hồng cầu (cần thiết cho da khỏe mạnh) bị chậm lại - nghĩa là các vết đó chậm được phục hồi.

 

Quá nhiều glucose trong máu, bạn cảm thấy khát nước, đi vệ sinh nhiều hơn và cực kỳ mệt mỏi là một số triệu chứng ban đầu của bệnh đái tháo đường.

 

Môi khô, nứt nẻ trong thời gian dài, không được chú ý và phục hồi có thể khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn.

 

Móng tay bị giòn, đổi màu...: Móng tay bị giòn, bắt đầu dễ gãy, biến đổi màu, trở nên mỏng, trên bề mặt xuất hiện các dấu hiệu lạ… tất cả đều nói lên sự suy giảm của cơ thể. Nếu móng tay có những vệt trắng, chứng tỏ cơ thể không đủ chất sắt và kẽm. Khi bề mặt móng trở nên dày và có sắc vàng, nên lưu ý các căn bệnh về nấm. Móng tay bị giòn thường liên quan đến hoạt động kém của tuyến giáp, bởi tuyến này có chức năng cân bằng canxi và phốt pho trong cơ thể. Móng tay trở nên dễ gãy thì có thể trong cơ thể bị thiếu hụt các vitamin A và D hoặc thiếu các vi chất (silic, selen).

 

Quầng thâm dưới mắt: Có nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là do thiếu ngủ, có thể do căng thẳng hoặc trầm cảm. Nếu quầng thâm kéo dài nên đi khám bác sĩ để bảo đảm rằng không có điều gì nguy hiểm đang diễn ra trong cơ thể.

 

Rụng lông mi: Nếu thấy lông mi rụng nhiều có thể gặp vấn đề về tuyến giáp, cần đi khám để điều trị kịp thời.

 

Chảy máu nướu răng: Có thể đó là một dấu hiệu rõ ràng của bệnh nướu răng. Tuy nhiên, nếu nướu răng bị chảy máu dai dẳng thì nên đi khám bác sĩ, vì đó rất có thể liên quan đến bệnh nghiêm trọng như bệnh bạch cầu và rối loạn tiểu cầu máu.

 

Theo Lương y Vũ Quốc Trung

Người lao động