Làng biển nghèo và kỉ lục hiến giác mạc nhiều nhất Việt Nam
(Dân trí) - Khi chưa hiểu rõ về cách thức hiến giác mạc người dân thôn Bình An 1, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) rất sợ vì cứ nghĩ là lấy cả mắt. Nhưng giờ đây, gần 100 người ở làng biển nghèo này đã tình nguyện đăng ký hiến giác mạc.
Tìm đến nhà trưởng thôn Bình An, ông Nguyễn Thanh Kiều tự hào: “Làng tôi có 500 hộ dân, chiếm 1/3 dân số của xã Lộc Vĩnh nhưng đã có gần 100 người trong thôn tình nguyện hiến giác mạc. Đây không những là niềm tự hào của xã mà còn của toàn tỉnh”.
Đầu năm 2009, thực hiện cuộc vận động của Hội Chữ Thập đỏ tỉnh thông qua tổ chức Orbis (Mỹ) tài trợ kêu gọi hiến tặng giác mạc cho người mù sáng mắt. Ông Kiều là người đầu tiên trong xã Lộc Vĩnh đăng ký tham ận động rất nhiều người tham gia hiến giác mạc. Ông kể lại: “Khi chủ chương của cấp trên mới đưa về, thôn Bình An 1 được giao 13 chỉ tiêu. Mọi người nghe xong ai nghe cũng sợ bị móc mất đôi mắt sau khi qua đời nên không giám đăng ký hiến giác mạc.
Trước tình hình đó, xã rồi thôn họp bàn, thành lập Ban vận động với phương châm đi từng ngõ gõ cửa từng nhà, thậm chí khi được các bác sĩ giải thích hiến giác mạc là chỉ lấy màng mỏng ở mắt mọi người mới dần hiểu. Trong đợt 1 có 53 người thấu hiểu được nghĩa cử cao đẹp này đã đăng ký vào danh sách. Chúng tôi rất vui mừng”.
Phong trào hiến giác mạc cho xã với chỉ tiêu đặt ra nhưng đã có đến 53 người đăng ký trong đợt 1 vượt gấp 3 lần chỉ tiêu được giao. Đến cuối năm 2010, toàn xã Lộc Vĩnh có tới 183 người đăng ký tham gia. Trong đó, thôn Bình An 1 chiếm 81 người, đa số là người cao tuổi.
Ông Nguyễn Thanh Kiều, trưởng thôn Bình An 1 đang xem lại bảng danh sách những người tham gia hiến giác mạc của thôn - ảnh: Ngọc Thụ
Ông Hoàng Lộc cho chúng tôi xem tờ đăng ký hiến tặng giác mạc của hai vợ chồng - ảnh: Ngọc Thụ
Ông Kiều cũng kể cho chúng tôi nghe về trường hợp vô cùng đặc biệt của vợ chồng ông Hoàng Lộc: Sau khi đăng ký vào danh sách hiến giác mạc, vợ chồng ông đã thảo luôn một bản di chúc có nội dung : “Nếu con cháu cản trở việc ông bà đã tình nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc khi còn sống thì sẽ không được thừa kế tài sản của vợ chồng ông để lại”. Không những thế hơn chục năm nay, vợ chồng ông Hoàng Lộc còn làm một việc làm vô cùng ý nghĩa là nhận giúp đỡ hai cháu mồ côi tàn tật trong xã với số tiền 200.000 đồng/tháng.
“Người xưa nói “giàu hai con mắt khó đôi bàn tay”. Vì vậy tôi muốn làm nhiều việc có ý nghĩa cho đời để khi nhắm mắt xuôi tay cũng không hổ thẹn với đời”, ông Lộc, tâm sự.
Việc tình nguyện hiến giác mạc trước khi qua đời là một nghĩa cử cao đẹp mang ý nghĩa nhân văn cho con cháu đời sau mà một người hiến giác mạc đã giúp bốn người sáng mắt được nhìn thấy ánh sáng của cuộc đời.
Ông Văn Đình Phúc, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Lộc Vĩnh cho biết: “Thôn Bình An 1 là một điển hình tốt trong phong trào hiến giác mạc của xã. Trong hai năm thực hiện phong trào thì thôn Bình An 1 có 81 người trong tổng số 183 người tình nguyện hiến giác mạc của xã, không những thế thôn còn đi đầu trong phong trào hiến máu nhân đạo hàng năm”.
Được biết, những người đăng ký hiến giác mạc ở thôn Bình An 1 đều mưu sinh bằng nghề đánh cá ven biển, cuộc sống túng quẫn quanh năm. Nghèo khó là vậy nhưng ở làng biển này lại rất giàu tình nghĩa con người”.
Thái Bá – Ngọc Thụ