Làm việc tập trung dễ quên… thở!

Khi làm việc căng thẳng hoặc bận rộn như soạn thảo văn bản, trả lời e-mail, thiết kế đồ họa, soạn các văn bản kế toán… dường như chúng ta quên thở! Vậy bằng cách nào để nhận biết mình đang thở và thở như thế nào có lợi cho sức khỏe?

Những lúc quên thở như thế, hệ hô hấp chỉ làm việc cầm chừng để duy trì các hoạt động của cơ thể. Nếu tình trạng làm việc này kéo dài não sẽ bị thiếu khí, cơ thể mệt mỏi, trí óc không còn minh mẫn. Để có thể thở đúng và đủ ở mọi lúc, mọi nơi, chúng ta cần phải tập luyện thở một cách đều đặn làm sao cho việc “hít vào-thở ra” trở thành một quán tính của cơ thể.

 

Kiểm soát hơi thở

 

Tập thở có thể thực hiện từ 5 - 10 phút vào bất cứ lúc nào, tại bàn làm việc hoặc một nơi có thoáng khí (có khí trời tự nhiên)…

 

Tập thở tại bàn làm việc sẽ có hai cách:

- Thứ nhất đang làm việc sực nhớ mình thở ít quá, lập tức hít vào-thở ra dài, sâu trong lúc vẫn tiếp tục làm việc.

- Thứ hai nếu thời gian phải hoàn thành công việc không quá thúc bách thì hãy tạm gác việc lại để theo dõi từng nhịp thở, hít vào dài sâu-nín thở (khoảng vài giây)-thở ra dài sâu-nín thở.

 

Mỗi người có thể lặp lại chu kỳ thở như trên bao nhiều lần tùy theo thời gian cho phép. Cách thở thứ hai tốt hơn cách thứ nhất vì sự trao đổi khí ở phổi, ở các mô của cơ thể, cũng như lượng không khí được đưa lên não sẽ nhiều hơn. Sau mỗi đợt thở như vậy bạn sẽ cảm thấy phấn chấn, tỉnh táo và tươi mới hơn trước cả về thể chất lẫn tinh thần.

 

Nếu bạn có điều kiện để đi ra một nơi thoáng khí thì nên thở theo cách thứ hai, tuy nhiên nên kèm theo một số động tác. Ví dụ đứng thẳng, khi hít vào nâng thẳng người rồi ưỡn ra phía sau, lồng ngực mở rộng tối đa đồng thời nâng lên cao-nín thở-thở ra kèm theo cúi người về phía trước, thóp bụng hai tay hạ xuống rồi hướng xuống đất, thở ra cho đến khi hết khí trong phổi-nín thở. Sau đó lập lại chu kỳ thở như vậy bao nhiêu lần tùy theo sức của mình.

 

Thở ở tư thế đứng là cách thở chất lượng nhất.

 

Đối với người mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch nặng khi tập động tác này không nên cúi xuống hoặc nín hơi nhiều, chỉ cần đứng thẳng người và thở vào thở ra nhẹ nhàng.

 

Cho não nghỉ ngơi

 

Ngoài ra chúng ta cũng nên dành thời gian để cho não nghĩ ngơi, bởi vì não (hay nói một cách khác là hệ thần kinh trung ương) không thể làm việc quá căng thẳng kéo dài.

 

Theo góc nhìn của y khoa thì não có ba dạng:

 

- Dạng thứ nhất, sức mạnh của não kém hơn cơ thể rất nhiều nên não mệt nhanh, trong trường hợp này nên cho cơ thể nghỉ ngơi sớm.

 

- Dạng thứ hai, hoạt động của não và cơ thể tương đối quân bình, khi nào não mệt thì cơ thể cũng mệt nên cả hai cùng được nghỉ ngơi như nhau (dạng người này sinh hoạt và làm việc tương đối hợp lý nên sức khỏe được bảo tồn, không quá hao phí).

- Dạng thứ ba, não hoạt động rất mạnh nên lúc nào cũng thông minh, tỉnh táo, luôn luôn sáng tạo, đam mê công việc và có khát vọng thành công mãnh liệt.

 

Đối với dạng người thứ ba, do trí óc hoạt động quá mạnh mẽ, kéo theo cơ thể phải làm việc liên tục và không được nghỉ ngơi hợp lý nên nhiều lúc dù sức khỏe bị sút giảm nghiêm trọng họ cứ nghĩ rằng “vẫn chạy tốt”. Chính sự gắng gượng này sẽ dẫn đến một ngày suy sụp không xa của đối tượng thứ ba, khi hàng loạt bệnh lý nặng cùng xuất hiện! Điều này cũng giống như đầu máy tàu lửa rất mạnh nhưng do kéo theo những toa tàu đã xuống cấp, cũ kỹ, cuối cùng cả đoàn tàu phải bị trật đường ray.

 

Trong ba trường hợp nêu trên nếu bạn rơi vào hai trường hợp sau thì nên tìm cách cho não thư giãn, nghỉ ngơi kịp thời, kẻo muộn. Vậy nên cho não nghỉ ngơi như thế nào?

 

Có nhiều cách nghỉ ngơi như ngủ cho đủ giấc, ngủ bù hoặc nghỉ phép một vài ngày để đi du lịch cho tâm hồn, trí não được thanh thản. Ngoài ra cũng có cách dành cho não nghỉ ngơi tích cực và ít tốn kém nhưng mang lại nhiều hiệu quả đó là phương pháp “thiền định” căn bản có thể giải tỏa mọi căng thẳng, lo âu, toan tính thường ngày. Có thể nói một cách nôm na rằng: giữ cho cơ thể ở trạng thái tỉnh thức để nhận biết “ta đang làm gì” đó chính là thiền. Nói thì dễ nhưng thực hành cho thuần thục là điều rất khó!

 

Phương pháp thở căn bản

 

Đầu tiên, bạn hãy cảm nhận hơi thở của chính mình - “hít vào ta biết ta đang hít vào, thở ra ta biết ta đang thở ra” nhẹ nhàng, thanh thản, không gắng sức, không mong cầu, thong dong tự tại. Lúc đầu có thể bạn khó giữ được sự chú ý đến “hơi thở vào-ra”, do quá nhiều ý nghĩ xuất hiện trong tâm trí. Dần dần thời gian của sự nhận biết hơi thở càng ngày càng kéo dài, và những khoảnh khắc của sự nhận biết đó sẽ xuất hiện nhiều lần trong ngày.

 

Sau một thời gian tập luyện thuần thục nếu bạn đã kiểm soát được hơi thở của mình thì lúc đó có thể tập thiền ở bất cứ nơi đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào kể cả đi, đứng, nằm, ngồi… Phương pháp thiền định căn bản đơn giản chỉ có thế nhưng nếu bạn thực tập đều đặn sẽ phát huy tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần trong cuộc sống hàng ngày.

 

BS. Lê Hùng

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn