Làm gì khi mổ smile bị cận lại?
Chào bác sỹ, em có nghe nói mổ cận thị bằng phương pháp SMILE cũng vẫn có khả năng bị tái cận, nếu em lựa chọn phương pháp SMILE để mổ và bị tái cận thị thì sau đó có thể chiếu laser để chữa lại được không? (Hoàng Hà, Ba Đình, Hà Nội)
TS.BS. Trần Hải Yến trả lời:
Đây là một trong những câu hỏi hay gặp của bệnh nhân khi nghe tư vấn chưa thấu đáo hoặc chưa được giải thích hết trong khi tư vấn.
Tất cả bệnh nhân phẫu thuật khúc xạ bằng laser, bất kể phương pháp nào (laser bề mặt LASIK, FemtoLASIK, SMILE) đều có một tỷ lệ tái cận nhất định, tùy theo tình trạng nặng nhẹ của tật khúc xạ mà tỷ lệ này có thể dao động từ 1-2% đến 12-15%. Trong đó nguy cơ tái cận cao nhất nằm ở nhóm laser bề mặt (PRK, LASEK, EpiLASIK), sau đó đến LASIK và FemtoLASIK có cùng nguy cơ như nhau, SMILE có tỷ lệ tái cận thấp nhất.
Đối với phẫu thuật laser bề mặt, nếu mổ LASEK hoặc EpiLASIK thì khi chiếu laser bổ sung, không thể thực hiện bằng phương pháp LASEK và EpiLASIK do lớp biểu mô tái sinh có độ dính không đồng đều trên toàn bề mặt, việc bóc tách được một tấm biểu mô nguyên vẹn như lần phẫu thuật đầu tiên dù bằng tay hay thiết bị tự động trở nên khó khăn. Do vậy, để điều trị tái cận sau laser bề mặt, PRK là phương pháp được chọn lựa.
Đối với LASIK hoặc FemtoLASIK laser bổ sung được thực hiện bằng cách lật vạt giác mạc ban đầu và chiếu laser lên nền nhu mô.
Trong phẫu thuật SMILE, nếu bệnh nhân cận lại, điều trị bổ sung thường không thực hiện bằng chính SMILE, bởi đa số các trường hợp tái cận, độ thường khá thấp khoảng trên dưới 1 điốp, mảnh mô quá mỏng nên việc bóc tách trong nhu mô khó khả thi. Có hai giải pháp để điều trị bổ sung. Giải pháp thứ nhất là áp dụng laser bề mặt, LASEK, EpiLASIK hoặc PRK nếu bệnh nhân không muốn tạo một vạt giác mạc. Cách thứ hai, hệ thống máy có một chương trình FemtoLASIK chuyên dụng dành riêng cho bệnh nhân sau mổ SMILE: tạo vạt giác mạc bằng femtosecond, sau đó chiếu excimer laser.
Nguy cơ biến chứng vạt giác mạc do chấn thương gây tổn hại thị lực sẽ luôn luôn tồn tại sau mọi ca phẫu thuật LASIK hoặc FemtoLASIK, nghĩa là 100% các trường hợp sẽ đứng trước nguy cơ này sau mổ. Nếu phẫu thuật SMILE, khả năng 95% là bạn không tái cận và hoàn toàn không phải lo lắng về vấn đề này. Nếu rơi vào nhóm 5% tái cận, nhưng bạn không có nhu cầu điều trị độ nhẹ như vậy hoặc bạn chọn điều trị chiếu laser bổ sung bằng laser bề mặt, nguy cơ biến chứng vạt vẫn bằng 0%. Trường hợp bạn chọn chiếu bổ sung bằng FemtoLASIK, chỉ khi đó mới cần phải quan tâm đến việc giữ gìn, cẩn trọng để tránh chấn thương vạt. Như vậy với phẫu thuật SMILE, mặc nhiên bạn đã hạ nguy cơ biến chứng vạt do chấn thương, “gót chân Asin” của LASIK và FemtoLASIK, từ 100% xuống còn cao nhất là 5%. Đây chính là ý nghĩa của SMILE trong việc nâng mức an toàn của phẫu thuật khúc xạ lên gần như tuyệt đối.
TS.BS. Trần Hải Yến
Phòng khám mắt HYEC - 31A Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TPHCM
Độc giả có thể trực tiếp đặt câu hỏi các bệnh về mắt và các phương pháp điều trị với TS.BS. Trần Hải Yến tại chuyên mục này: suckhoe@dantri.com.vn hoặc qua email: info@haiyeneyecenter.com tại www.phongkhammathaiyen.com và theo sốđiện thoại 1800757576, 0913 666 665 và08 66861396. |