Làm gì khi biết mắc bệnh đái tháo đường?
(Dân trí) - Theo PGS.TS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường TPHCM, khi nghe bác sĩ thông báo mắc bệnh đái tháo đường, nhiều người đã rơi vào trạng thái sốc hoặc tỏ ra thờ ơ…. Tất cả những trạng thái này đều làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị lâu dài của bệnh nhân.
Quyền tự quản lý bệnh
Theo khảo sát chất lượng cuộc sống của người bệnh do Diabcare châu Á thực hiện, trong đó có Việt Nam, trung bình chỉ đạt hơn 70 điểm/100 điểm. Tuy nhiên, có tới gần 34% có cảm giác đau, hơn 24% gặp khó khăn trong di chuyển, gần 29% gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày….
Nguyên nhân của tình trạng trên là do hơn 80% người bệnh không tuân thủ việc tự theo dõi đường huyết; hơn 60% không tuân thủ chế độ luyện tập; gần 55% không tuân thủ chế độ ăn…
Cùng với các nghiên cứu khác về cải thiện chất lượng của Mỹ, thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên về thay đổi hệ thống can thiệp bệnh đái tháo đường…. các chuyên gia y tế đã thống nhất một mô hình chăm sóc sức khỏe bệnh mãn tính mới: Đó là trao quyền tự chủ và tự quản lý bệnh cho bệnh nhân.
Đến nay mô hình này đã được dụng ở các bệnh viện, tổ chức chăm sóc sức khỏe của nhiều nước phát triển.
Tại Hội nghị triển khai Dự án: Ngày đầu tiên đái tháo đường - Làm chủ cuộc sống mới do Hội Nội tiết và Đái tháo Đường Việt Nam và Đại sứ quán Pháp tổ chức, GS. Gérard Reach, Điều phối việc Quản lý những Nguy cơ liên quan đến Dịch vụ Y tế, Nhóm bệnh viện ĐH Paris – Seine Saint-Denis (Pháp) đã giải thích về việc bác sĩ trao quyền cho bệnh nhân bằng một minh họa rất dễ hiểu.
GS Reach nói: “Nếu trước đây, bác sĩ nói “Tôi chữa bệnh cho bạn” thì nay sẽ nói: “Tôi muốn đưa cho anh những thông tin cần thiết để anh tự chữa bệnh cho mình””.
Giáo sư cũng đề cập tới việc giáo dục bệnh nhân và cho rằng đó chỉ đơn giản là một cuộc trò chuyện, tạo cơ hội để bệnh nhân trở nên tự chủ trong bệnh tật.
Tại Pháp, các bác sĩ sẽ tập hợp 5-6 bệnh nhân đái tháo đường mỗi lần để trò chuyện về các vấn đề liên quan đến điều trị, tự chăm sóc bản thân… Và những buổi như thế sẽ được thiết lập, duy trì cho đến khi nào bệnh nhân hoàn toàn bị thuyết phục.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: M.T)
Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Thy Khuê khuyên bệnh nhân Việt Nam đừng để nặng mới đi khám - hãy tin tưởng bác sĩ.
Bà cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng - những người thân, bạn bè, hàng xóm… trong việc đồng hành cùng bệnh nhân, nhất là với những bệnh nhân trên 70 tuổi (phần lớn không tiếp cận được với thông tin mới).
Những chủ đề bệnh nhân cần quan tâm
PGS.TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết lại cho rằng bác sĩ, điều dưỡng… đóng vai trò rất quan trọng trong việc động viên người bệnh biết được tính quan trọng của việc theo dõi bệnh tình chính mình.
Phó Giáo sư Quang cũng đánh giá cao mô hình trò chuyện với bệnh nhân, tạo ra sự trao đổi hai chiều, giúp bệnh nhân được điều trị tốt hơn, tiết kiệm được tài chính.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào, Phó chủ tịch Hội Nội tiết Việt Nam đã đưa ra những chủ đề cơ bản mà bệnh nhân và bác sĩ có thể trao đổi cùng nhau hay bệnh nhân khi biết mình mắc đái tháo đường cần tìm hiểu để có tể tự quản lý bệnh của mình. Đó là:
- Những điều cần biết về đái tháo đường
- Tự theo dõi đường huyết
- Chế độ ăn cho đái tháo đường
- Tập thể dục cho bệnh nhân đái tháo đường
- Thuốc viên hạ đường huyết
- Thuốc tiêm hạ đường huyết
- Đái tháo đường thai kỳ
- Biến chứng thận của bệnh đái tháo đường
- Biến chứng mắt của bệnh đái tháo đường
- Biến chứng thần kinh của bệnh đái tháo đường
- Chăm sóc bàn chân của người bệnh đái tháo đường
- Chăm sóc bàn chân người bệnh đái tháo đường
Trần Phương
Mail: tranthuphuong@dantri.com.vn