Làm gì khi bị ngộ độc Paracetamol?

(Dân trí) - Ngộ độc Paracetamol ngày càng có xu hướng tăng cao và số ca tử vong không phải là ít. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể nhận biết sớm được những dấu hiệu ngộ độc và có biện pháp xử trí kịp thời.

Nguyên nhân gây ngộ độc

 

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, phần lớn trẻ ngộ độc Paracetamol là do cha mẹ sai lầm khi sử dụng thuốc. Khi con bị sốt, họ tự động mua thuốc cho con uống không có chỉ định của bác sĩ, thậm chí có người thấy triệu chứng bệnh của con giống… bệnh của con người hàng xóm nên xin đơn thuốc về dùng, không cần biết sự khác biệt về thể chất, cân nặng giữa hai đứa trẻ.

 

Cũng có trường hợp bị ngộ độc Paracetamol do tự ý dùng thuốc kéo dài, lặp lại nhiều lần gây tích lũy thuốc trong cơ thể. Đặc biệt, ở những trẻ có thể trạng yếu, chức năng gan yếu, cha mẹ vẫn cho con dùng đúng liều như quy định sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc vì gan của trẻ không kịp đào thảo các độc tố của Paracetamol.

 

Việc bảo quản, lưu trữ thuốc tại nhà không đúng, để thuốc ở tầm với của trẻ khiến trẻ tò mò, lấy thuốc và cho vào miệng. Cũng có thể do cha mẹ cho con uống nhiều loại thuốc nhưng không biết nó cùng chứa hoạt chất paracetamol…

 

Làm gì khi trẻ bị ngộ độc?

 

Khi ngộ độc paracetamol, nồng độ paracetamol trong máu quá cao, vượt quá khả năng khử độc của gan, khi ấy, chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan. Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp, đến thận gây suy thận, thậm chí thấm vào não khiến trẻ bị hôn mê…

 

Có thể bị ngộ độc paracetamol rất nhanh, chỉ sau vài giờ uống thuốc. Triệu chứng thường gặp trẻ nôn, buồn nôn, trẻ cảm thấy mệt mỏi, vã mồ hôi. Sau 1, 2 ngày, có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu. Ở mức độ nặng, trẻ kích động, mê sảng, suy hô hấp.

    

Khi phát hiện trẻ có những dấu hiện sớm như nôn, buồn nôn, vã mồ hôi, cha mẹ phải quan sát chung quanh, tìm kiếm viên thuốc rơi vương vãi, lọ thuốc đã mở xem trẻ uống thuốc gì, uống bao nhiêu và lập tức đưa trẻ đến bệnh viện, mang theo thuốc nghi gây ngô độc để giúp bác sĩ chẩn đoán được sớm và nhanh nhất.

 

Các bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm máu đo nồng độ thuốc để đánh mức độ ngộ độc, đánh giá tổn thương gan… Nếu xác định đúng trẻ ngộ độc Paracetamol, bác sĩ sẽ nhanh chóng tiến hành rửa ruột và cho uống các loại thuốc giải độc cần thiết khác.

 

Phòng ngộ độc Paracetamol

 

Để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc Paracetamol, cần lưa ý không được tự ý cho trẻ dùng thuốc và phải luôn uống thuốc theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc lưu trữ trong nhà phải được ghi nhãn, đặt trong tủ thuốc ở trên cao, xa tầm nhìn và tầm với của trẻ.

 

Không cho trẻ chơi với thuốc, tự ý uống thuốc. Khi trẻ sốt, ngoài dùng thuốc hạ sốt, nên đặt để trẻ ở nơi thoáng mát, không ủ trùm nhiều lớp quần áo, chăn, mền sẽ làm sốt tăng cao. Cho trẻ uống nhiều nước để cung cấp thêm lượng nước cần cho cơ thể. Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng.

 

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm