1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Làm gì để không lo mắc bệnh lý gây tử vong hàng đầu?

Nam Phương

(Dân trí) - Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam. Số người trưởng thành bị tăng huyết áp tại nước ta chiếm đến 1/3 dân số. Số người trẻ bị bệnh tim mạch tăng cao.

Chia sẻ tại lễ ký kết gia hạn thỏa thuận hợp tác giữa Bệnh viện Tim Hà Nội và Trung tâm Bệnh viện Periguex của Pháp diễn ra ngày 21/10, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết bệnh tim mạch là một trong những bệnh dẫn đến tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Mỗi năm, bệnh lý tim mạch cướp đi 18,6 triệu sinh mạng, chiếm tới 44% tổng số tử vong do các bệnh không lây nhiễm và tương ứng với tỷ lệ 31% tổng tử vong toàn cầu. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch đang gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, chiếm tới 75%, trong đó có Việt Nam. 

Đặc biệt ở nước ta, mô hình bệnh tật đã thay đổi nhiều trong 20 năm trở lại đây, tương tự gần như các nước phát triển. Đó là sự nổi lên của các bệnh không lây nhiễm thay vì các bệnh truyền nhiễm như trước. Theo nghiên cứu, số người sau 18 tuổi bị tăng huyết áp chiếm đến 1/3 dân số. Số người trẻ bị bệnh tim mạch tăng rất cao, PGS Hiền cho biết. 

Làm gì để không lo mắc bệnh lý gây tử vong hàng đầu? - 1

"Sự thay đổi này là do nhiều yếu tố, trong đó có lối sống như chế độ ăn không hợp lý, hút thuốc lá, uống rượu bia, thói quen lười vận động… Tất cả đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, công việc căng thẳng stress tinh thần cũng làm gia tăng bệnh lý tim mạch", PGS Hiền nói. 

Theo lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội, khó khăn của việc điều trị ở Việt Nam cũng như thế giới là nhu cầu thực tế cao trong khi giới hạn của cung ứng dịch vụ về y tế còn hạn chế. Đặc biệt, nước ta còn thiếu cơ sở vật chất, sự hiểu biết đặc biệt đội ngũ chuyên gia chuyên sâu về bệnh lý tim mạch còn thiếu. Hiểu biết chung chưa đồng đều giữa các vùng. 

Làm gì để không lo mắc bệnh lý gây tử vong hàng đầu? - 2

Bệnh viện Tim Hà Nội và Trung tâm Bệnh viện Periguex của Pháp ký kết gia hạn thỏa thuận hợp tác.

Vì thế, hợp tác lần này là cơ hội để hai bên có thể trao đổi các đoàn chuyên gia trong lĩnh vực y tế cũng như về quản lý bệnh viện để học hỏi lẫn nhau. Người bệnh cũng sẽ được hưởng từ những kiến thức, chăm sóc mới. 

Theo PGS Hiền, chi phí khám chữa bệnh tại nước ta thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển trên thế giới, vì mức sống của người Việt còn thấp. Ví dụ, chi phí cho một ca phẫu thuật thay van tim hay làm cầu nối mạch vành tại nước ta là khoảng 5.000 đô la Mỹ thì ở nước ngoài có thể lên tới vài chục nghìn đô. Tuy vậy, con số này so với thu nhập trung bình của người Việt Nam vẫn rất cao. 

"Chi phí điều trị này đã rất thấp, dù vậy vẫn gây khó khăn cho một số người dân. Tuy nhiên, không thể giảm chi phí thấp hơn nữa vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cho người bệnh", PGS Hiền chia sẻ. 

Để giải quyết vấn đề này, theo ông thứ nhất, chúng ta có bảo hiểm y tế toàn dân. Thứ 2 là bản thân mỗi bác sĩ cần căn cứ vào điều kiện của người bệnh để lựa chọn phương án điều trị hiệu quả mà giá rẻ. Thứ 3 là kêu gọi các tổ chức từ thiện.

Đặc biệt, để phòng bệnh, mỗi người dân cần trang bị các kiến thức về các bệnh lý tim mạch, duy trì thói quen sống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ như tập thể dục, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế bia rượu thuốc lá, hạn chế căng thẳng, có cuộc sống thể chất và tinh thần hài hòa…

Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn dưới 5g muối/ngày, ăn nhiều rau quả, cá, hạn chế chất béo có hại, đồ ăn ngọt… Đây được coi là biện pháp phòng chống bệnh tim mạch có hiệu quả. Trong rau xanh và hoa quả có nhiều vitamin, chất khoáng, trong khi chúng cung cấp rất ít calo.