Làm gì để giảm nguy cơ mắc ung thư vú?
Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Một số thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư nguy hiểm này. Hãy tìm hiểu chúng trong bài viết sau.
Cho con bú
Nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ cho trẻ bú có tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú thấp hơn so với những phụ nữ không cho con bú. Điều này có thể là do việc cho con bú làm gián đoạn quá trình rụng trứng và giúp sản xuất estrogen nhiều hơn.
Một lý do khác là khi bạn cho con bú, các tế bào trong vú của bạn trở nên trưởng thành hơn và điều này sẽ làm cho các tế bào ung thư ít xảy ra đột biến. Các nhà khoa học cho rằng, cho con bú làm giảm mức độ của một số bệnh ung thư liên quan đến hormone trong máu của người mẹ.
Tập thể dục
Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là khi bạn có một công việc ít phải vận động trong độ tuổi sinh đẻ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phụ nữ có hoạt động thể chất nhiều hơn có nguy cơ ít hơn mắc bệnh ung thư vú so với những phụ nữ có cuộc sống ít vận động. Tập thể dục không chỉ có thể giúp bạn có một thân hình thon thả, mà còn giảm nguy cơ ung thư vú.
Kiểm soát trọng lượng cơ thể
Hãy cố gắng duy trì một trọng lượng bình thường và chừng mực nhất có thể. Bạn không nên giảm cân một cách nhanh chóng hoặc tăng cân ngay sau khi bạn bị sút cân đáng kể. Việc thay đổi trọng lượng một cách đột ngột đều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, nhất là đối với bệnh ung thư.
Duy trì trọng lượng tối ưu cho chiều cao của bạn là một cách hữu hiệu giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú. Và việc giảm cân trước khi mãn kinh cũng có tác dụng đáng kể trong việc làm giảm nguy cơ ung mắc thư vú ở phụ nữ. Thừa cân và béo phì tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là sau thời kỳ mãn kinh.
Ăn nhiều trái cây và rau quả
Hoa quả và rau xanh chứa nhiều chất xơ, đây là một chất chống ôxy hóa mạnh giúp cơ thể chuyển hóa estrogen nhanh hơn, và bài tiết lượng dư thừa ra khỏi cơ thể.
Luôn lạc quan
Căng thẳng không gây ung thư, nhưng nó có thể dẫn đến các hành vi không lành mạnh như ăn quá nhiều, uống rượu bia, hút thuốc lá... Đây là những tác nhân làm tăng nguy cơ ung thư. Đặc biệt, ngay cả khi mắc bệnh, vui vẻ, lạc quan cũng sẽ giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn, thời gian sống kéo dài hơn.
Làm việc nhà
Các chuyên gia hàng đầu về sức khỏe trên thế giới cho rằng làm việc nhà là một trong những hoạt động giúp giảm nguy cơ ung thư vú phụ nữ. Những vận động của cơ thể khi làm việc nhà sẽ làm giảm số lượng tế bào mỡ - các tế bào góp phần phát hành các kích thích tố như estrogen và testosterone và tạo điều kiện phát triển khối u. Bên cạnh việc ngăn ngừa ung thư vú, làm việc nhà còn giúp phụ nữ có vóc dáng thon gọn hơn.
Đi ngủ sớm
Những phụ nữ thường xuyên thức khuya hoặc làm ca đêm 3 lần/tuần thường có nguy cơ bị ung thư vú cao gấp 2 lần so với những chị em khác. Việc thức khuya cộng với một chế độ ăn không lành mạnh vào ban đêm càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của chị em.
Vú của người phụ nữ được tạo thành từ các tuyến sữa và ống dẫn sữa, bao quanh bởi các mô mỡ và mô liên kết. Sự tăng trưởng của một tế bào nào đó trong vú một cách không kiểm soát được sẽ dẫn đến ung thư vú.
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Nó có xu hướng xảy ra ở độ tuổi sớm hơn so với các bệnh ung thư khác và các căn bệnh khác như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú tăng lên đáng kể với phụ nữ đến tuổi 39, xác suất có ung thư vú là 1/231; từ độ tuổi 40-59, nguy cơ đã tăng lên đến 1/25 người, và từ 60 đến 79 tuổi, nó gần như 1/15 người (Số liệu của Mediresourse Inc).
Chị em cần trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để phòng tránh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Sàng lọc sớm được coi là 'chìa khóa vàng để phát hiện và đưa ra các phương pháp ngăn chặn, giảm nguy cơ tử vong và chi phí cho người bệnh.
Theo Sức khỏe và đời sống