Làm gì để bé không còi xương?

(Dân trí) - Còi xương không chỉ làm trẻ biếng ăn, kém ngủ, dễ mắc bệnh… mà còn dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng. Quan trọng hơn, trẻ sẽ bị rối loạn phát triển xương, biến dạng xương làm ảnh hưởng đến chiều cao, hình dáng bên ngoài của trẻ.

Nguyên nhân của bệnh còi xương là do thiếu ánh nắng và thiếu một số dinh dưỡng cần thiết để tạo xương. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể phòng ngừa căn bệnh này ngay từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ và sau khi sinh.

 

Trong suốt thời kỳ mang thai, người mẹ phải ăn uống đầy đủ, ăn nhiều các thức ăn giàu canxi, chất sắt như thịt, cá, trứng, các loại sữa, rau xanh…. Tuy nhiên, cũng cần phải ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo các vi chất, dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nều cần, có thể uống bổ sung thêm viên sắt, can xi và không quên tắm nắng.

 

Nhiều người bà mẹ sợ lên cân quá nhiều nên ăn uống kiêng khem. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi, làm trẻ bị suy dinh dưỡng và còi xương. Khi đó, trẻ sinh ra sẽ không có được sức khoẻ tốt và khó có được sự phát triển bình thường.

 

Đối với trẻ, cần lưu ý cho trẻ bú mẹ sớm ngay từ sau khi sinh. Trong 6 tháng đầu, nên cho bé bú mẹ hoàn toàn.

 

Từ tháng thứ 6 trở đi, ngoài bú mẹ, bé cần phải được ăn dặm. Thức ăn trong thời kỳ ăn dặm cần đầy đủ vì thời kỳ này quyết định lớn đến sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ sau này. Do lúc này, sữa mẹ không còn nhiều dinh dưỡng như trước nên cần đảm bảo cho bé ăn đầy đủ, cân đối 4 nhóm thức ăn là chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.

 

Khi bé được một tháng, mẹ nên cho bé ra ngoài tắm nắng. Tốt nhất, cả mẹ và bé tắm nắng mỗi ngày 15 phút vào lúc sáng sớm, khi ánh nắng dịu. Nên lưu ý, chỉ tắm trước 9h sáng, tránh ánh nắng từ 10h sáng đến 3h chiều (vì đây là thời điểm ánh nắng gay gắt nhất trong ngày). Ánh nắng phải chiếu trực tiếp trên bề mặt da mu tay, chân, lưng, bụng mới có hiệu quả. Còn nếu ánh nắng qua cửa kính, quần áo không có tác dụng.

 

Ngoài ra, có thể sử dụng vitamin D để phòng bệnh còi xương cho trẻ vào mùa đông, người mẹ uống vitamin D lúc mang thai, nhưng phải có sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

 

Hồng Hải