Làm đẹp đón tết, coi chừng “hết xuân” vì mỹ phẩm rởm

(Dân trí) - Hy vọng có được làm da đẹp mịn màng để đón tết, nhiều chị em phụ nữ đang bị sập bẫy mỹ phẩm rởm, giá rẻ có chứa corticoid khiến nhan sắc bị đầu độc. Không chỉ mỹ phẩm trôi nổi, cả những sản phẩm có thương hiệu cũng bị phát hiện chứa chất nguy hại trên.

“Hết xuân” vì mỹ phẩm rởm

Kinh tế khó khăn, đã nhiều năm qua chị Nguyễn Thị Lan (26 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức, TPHCM) không có điều kiện về quê ăn tết cùng gia đình. Năm nay, vợ chồng chị lên kế hoạch đưa đứa con nhỏ về thăm họ hàng nội ngoại. Để cải thiện là da mặt bị nám, chị đã mua loại mỹ phẩm có tên Shiseiddo dạng kem về dùng.

“Sau hơn 1 tuần dùng mỹ phẩm trên, vết nám phai đi rất nhanh, nhưng sau đó da mặt tôi bắt đầu có biểu hiện bị ngứa rát, nổi mẫn và mọc những mụn nước như rôm sảy. Đến bệnh viện Da Liễu khám thì bác sĩ kết luận tôi đã bị dị ứng với mỹ phẩm, việc điều trị cần phải có thời gian. Sau khi xem lọ kem tôi mang theo, bác sĩ nói đây là hàng giả có chứa corticoid. Với gương mặt kinh khủng thế này, kế hoạch về quê ăn tết của tôi chắc phải hủy bỏ.” Chị Lan bùi ngùi tâm sự.

Mỹ phẩm rởm chứa chất nguy hại đang gây hậu quả khôn lường cho người tiêu dùng
Mỹ phẩm rởm chứa chất nguy hại đang gây hậu quả khôn lường cho người tiêu dùng

Cùng cảnh ngộ với chị Lan là bạn Lưu Thị Hạ (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TPHCM). Theo lời kể của Hạ, khoảng nửa tháng trước, khi lên mạng cô tìm được thông tin về sản phẩm Lancome được quảng cáo là hàng xách tay chính hãng từ Mỹ, giảm giá tới 70% nên đã quyết định đặt hàng mua về dùng.

Thấy làn da trắng sáng chỉ sau vài ngày sử dụng, Hạ đang khấp khởi vui mừng thì da mặt đã có biểu hiện ngứa rát, ửng đỏ rồi nổi đầy mụn. Tại phòng khám Da liễu, bệnh viện Đại học Y Dược, Hạ được bác sĩ xác định bị dị ứng với mỹ phẩm chứa corticoid. Ngoài tiền ăn học mỗi tháng, giờ đây cha mẹ lại phải gửi thêm khoản viện phí để Hạ tìm lại nhan sắc.

PGS.TS.BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám Da Liễu, Cơ sở 2, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, gần đây lượng bệnh nhân đến khám vì dị ứng mỹ phẩm tăng nhanh. Đa phần người bệnh đều có những triệu chứng như: da bị phát ban mụn trứng cá, ửng đỏ, kích ứng, dị ứng, giãn mao mạch, nám da. Những trường hợp nhẹ thì khắc phục dễ và nhanh, nhưng nặng phải điều trị rất lâu, sau điều trị, làn da của người bệnh cũng khó tìm lại được vẻ đẹp như trước.

Phân tích chuyên môn của PGS Diệp chỉ ra, mỹ phẩm chứa corticoid rất nguy hại đối với người sử dụng. Corticoid là chất có tác dụng ức chế, chống viêm mạnh, khi sử dụng mỹ phẩm chứa chất trên, chỉ trong thời gian rất ngắn, người dùng đã có làn da trắng mịn màng. Tuy nhiên, sau đó công dụng ức chế chống viêm phản tác dụng quay sang làm yếu hệ thống bảo vệ của da khiến da dễ bị các yếu tố tác động từ môi trường gây viêm da kích ứng, nổi mụn kịch phát, giãn mạch máu sâu trong da, gây chảy xệ, làn da không thể sinh sản đủ tế bào mới bù đắp cho các tế bào chết dẫn tới xù xì, đen sạm.

Mỹ phẩm thương hiệu cũng chứa dẫn xuất corticoid

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, hàng giả trong 3 tháng qua đơn vị này đã phát hiện và xử lý 3.619 vụ vi phạm về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Tại địa bàn TPHCM, nổi cộm nhất là vụ việc kiểm tra xưởng sản xuất mỹ phẩm có tên Jenny được quảng cáo có công dụng tẩy trắng siêu tốc, làm đẹp tức thì, phù hợp với mọi loại da có xuất xứ từ Hàn Quốc. Trên bao bì sản phẩm chỉ ghi tiếng Hàn và tiếng Anh không có phụ đề tiếng Việt, không ghi rõ nơi sản xuất.

Sau khi kiểm tra “đại bản doanh” của cơ sở sản xuất mỹ phẩm Jenny trên đường Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 1 tấn vỏ chai, bao bì và tem nhãn in bằng tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh; hơn 500kg dung dịch dạng lỏng; 95kg dung dịch dạng bột; gần 500 chai sữa, kem tắm trắng và hơn 1 tấn nguyên liệu đã pha trộn. Tại thời điểm kiểm tra, Giám đốc Công ty mỹ phẩm Jenny là bà Lê Thị Mỹ Nữ không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc các loại hoá chất nói trên.

Làm đẹp đón tết, coi chừng “hết xuân” vì mỹ phẩm rởm - 2

 

Làm đẹp đón tết, coi chừng “hết xuân” vì mỹ phẩm rởm - 3

Tiếp đó vào chiều 9/12, Chi cục Quản lý Thị trường, TPHCM cũng tịch thu và tiêu hủy 25 nghìn sản phẩm mỹ phẩm các loại do không có hóa đơn chứng từ, hết hạn sử dụng, thông tin sai so với tờ khai hải quan. Đây được xác định là lô hàng nhập lậu có quy mô lớn.

Không chỉ những sản phẩm trôi nôi, nhập lậu, hàng giả đe dọa sức khỏe người tiêu dùng mà ngay cả những sản phẩm có thương hiệu hẳn hoi cũng chứa corticoid. Theo Bản kết quả xét nghiệm được Phân viện Pháp y Quốc gia tại TPHCM cung cấp, mới đây đơn vị này đã tiến hành kiểm nghiệm và phát hiện nhiều mẫu mỹ phẩm làm đẹp chứa loại chất nguy hại trên.

Theo đó, mẫu thứ nhất được phát hiện có chứa Clobetasol propionate một dẫn xuất nhóm corticoid là sản phẩm Sắc Ngọc Khang loại bỏ tàn nhang làm tan vết nám do công ty mỹ phẩm Tân Đại Dương tại quận Bình Tân, TPHCM sản xuất. Tiếp đó là sản phẩm Sắc hoa Thiên giữ mãi tuổi xuân - collagen - tổ yến - siêu trắng có chứa Dexamethasone là dẫn xuất nhóm corticoid do công ty Gia Việt tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ sản xuất.

Có 3 sản phẩm khác được phát hiện chứa Clobetasol propionate gồm: Whitening cream - Sắc Ngọc Hương – Sheap placenta – kem nhau thai cừu do công ty Sắc Ngọc Hương tại quận 8, TPHCM sản xuất; Cream Q - 10 Sắc Ngọc Trai Khang thành phần thảo dược thiên nhiên do công ty Lê Hoàng Hà My tại huyện Củ Chi, TPHCM sản xuất; Sắc Thể Ngọc Hoàn Khang thành phần đến từ thiên nhiên do công ty mỹ phẩm Thái Ngọc Nguyên tại quận Tân Phú, TPHCM sản xuất.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm