1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kỳ diệu trái tim hiến tặng vẫn đập nhịp trong suốt quá trình vận chuyển

(Dân trí) - Một người Anh đã trở thành người ghép tạng đầu tiên nhận được 1 trái tim “ấm và vẫn đang đập” của người hiến tặng. Khoảnh khắc kỳ diệu đầu tiên đó đã được máy quay ghi lại.

Cận cảnh trái tim vẫn đập sau khi rời khỏi cơ thể người hiến tặng

Theo các chuyên gia y tế, công nghệ tiên phong này sẽ thực sự “đổi đời” cho hàng trăm bệnh nhân đang chờ ghép tạng.

Những hình ảnh đắt giá của BBC đã cho thấy trái tim của người hiến vẫn đang đập khi đựng trong 1 chiếc hộp trong suốt.

Thiết bị hiện đại trong hộp cho phép trái tim được giữ trong điều kiện hoạt động gần như hoàn hảo - với máu của người hiến tặng được bơm liên tục - trong khi được đưa lên xe cứu thương để chở tới phòng phẫu thuật nơi người nhận tạng đang chờ.

Trước đó, các trái tim hiến tặng đều tạm ngừng đập và được trữ lạnh khi vận chuyển.


Joy trước thời điểm cấy ghép tim

Joy trước thời điểm cấy ghép tim

Tuy nhiên, việc càng kéo dài thời gian cấy ghép trái tim hiến với nguồn máu và ôxy bị "cắt đứt" thì cơ hội cấy ghép thành công càng thấp. Đó là lý do vì sao trái tim hiến càng ít phải vận chuyển sẽ càng thành công.

Giờ đây, với “chiếc hộp” - có lẽ nên gọi là Hệ thống chăm sóc tạng TransMedics - các phẫu thuật viên có thể giữ cho trái tim đập nhiều hơn 6 tiếng sau khi rời khỏi cơ thể người hiến. Điều đó đồng nghĩa với các cơ quan khác trong cơ thể có thể vận chuyển bất cứ đâu để ghép cho người được nhận tạng.

Số lượng bệnh nhân chờ ghép tim chỉ tính riêng năm 2017 đã tăng 24% so với các năm trước trong khi nguồn hiến đang rất thiếu.

Trong khi đó để ghép được tim, cần phải có mô và nhóm máu phù hợp và có khoảng 80% trái tim không thể sử dụng do chúng có bệnh lý quá nặng. Chưa kể các biến chứng do vận chuyển như việc trữ lạnh khiến tim không thể kéo dài quá 4 tiếng khi rời cơ thể người hiến. Tình trạng thiếu máu cục bộ của tim khiến các ca ghép tạng luôn phải chạy đua với thời gian.

Nhân vật may mắn được ghép quả tim “nóng” này là Joy Thomas, 54 tuổi. Trái tim của Joy chỉ còn hoạt động được 20% công suất sau khi ông mắc 1 căn bệnh tự miễn. Joy phải nằm viện và không thể tự bước đi. Ông được đưa vào danh sách chờ ghép tại bệnh viện Newcastle’s Freeman. Trong 297 ngày chờ đợi, nhiều lúc Joy đã rất tuyệt vọng.

Khi có người hiến tặng ở Northern Ireland, vấn đề đặt ra với các bác sĩ là không đủ thời gian để vận chuyển trái tim trữ lạnh đó. May mắn là 1 tổ chức từ thiện đã đồng ý tài trợ 40.000 bảng Anh để các bác sĩ có thể dùng 1 hệ thống chăm sóc tạng với khả năng giữ tim vẫn đập khi rời cơ thể người hiến trong suốt quá trình vận chuyển.

Kỳ diệu trái tim hiến tặng vẫn đập nhịp trong suốt quá trình vận chuyển - 2

Nhờ hệ thống kiểm soát không dây giúp ghi lại tình trạng tim khỏe mạnh cùng hệ thống ôxy và máu của người hiến tặng được bơm liên tục giúp tim luôn “ấm”. Các buồng tim có máu lưu thông được duy trì trong tình trạng vô trùng suốt 6 tiếng.

Trái tim hiến chỉ bị ngừng trong 1 thời gian ngắn khi kết nối với các mạch máu trong lồng ngực của Joy.

Ali Kindawi, chuyên gia ghép tim ở bệnh viện Freeman, người thực hiện trực tiếp ca ghép tim cho Joy, nói: “Trước đây, chúng tôi rất lo lắng về thời gian vận chuyển quả tim hiến tặng. Bởi cách thông thường là trữ lạnh trái tim đó và điều này đồng nghĩa với việc các tế bào tim đang chết dần nếu không được vận chuyển sớm trong vòng 4-6 tiếng. Với chiếc máy này, bạn sẽ thấy ngay là tim có hoạt động tốt hay không”.

Chỉ 20 phút sau ghép, trái tim đã bắt đầu đập trong cơ thể Joy và thời gian chăm sóc đặc biệt sau ghép rút ngắn còn 5 ngày. 20 ngày sau ghép, Joy đã có thể đi bộ hơn 5 bước và đạp xe trên máy tập.

Công nghệ tưới máu này có thể áp dụng với cả phổi và thận.

Hơn thế, công nghệ này có thể mở ra triển vọng mới cho thuốc chống thải ghép. Với các cơ quan được duy trì chức năng sống sau khi rời khỏi người hiến tặng như thế này, các bộ phận này hoàn toàn có thể được sửa chữa sao cho phù hợp nhất với người được cấy ghép.

Andy Fisher, Chuyên gia về cấy ghép hệ hô hấp của ĐH Newcastle, rất lạc quan về triển vọng của “hộp” TransMedics này.

“Chúng ta có thể đưa nhiều loại thuốc khác nhau vào bộ phận hiến tặng trong quá trình vận chuyển. Chúng ta có thể “tắt” các gen và áp dụng các liệu pháp tế bào chúng ta muốn. Tôi tin rằng số ca ghép tạng sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba trong thời gian sắp tới nhờ công nghệ này”, GS. Fissher nói.

Nhân Hà

Theo DM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm