Kon Tum: Xuất hiện bọ đậu đen
(Dân trí) - Theo báo cáo của Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum, bọ đậu đen lại xuất hiện tương đối nhiều tại 07 xã thuộc thành phố Kon Tum.
Ngày 24/6, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, hiện Sở đang chỉ đạo Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (cơ quan trực thuộc Sở) phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum triển khai áp dụng một số biện pháp phòng, chống loài bọ cánh cứng này theo khuyến nghị của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn; đồng thời Sở cũng yêu cầu Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum tăng cường vận động người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vận động các hộ gia đình thu gom loài côn trùng này cho vào bao tải đem đi tiêu hủy, ban đêm sử dụng biện pháp dẫn dụ côn trùng bằng cách bật đèn sáng bên ngoài và tắt điện bên trong nhà…
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum, bọ đậu đen lại xuất hiện tương đối nhiều tại 07 xã thuộc thành phố Kon Tum là Hòa Bình, Chư Hreng, Ia Chim, Đăk Năng, Đăk Blà, Đăk Cấm và Ngọc Bay đã ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống nhân dân. Mặc dù Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum đã tích cực triển khai một số hoạt động nhằm làm giảm tỷ lệ bọ đậu đen nhưng tình hình hình vẫn chưa khả quan.
Theo tài liệu, Bọ đậu đen là loài côn trùng cánh cứng có tên khoa học là Mesomorphus Villiger thuộc họ Tenebrionidae, bộ Coleoptera, sống trong đất, nơi có nhiều xác bã thực vật hoại mục. Mặc dù chưa thấy loại bọ này trực tiếp gây bệnh cho người và gia súc, tuy nhiên, do có mùi hôi, với số lượng lớn bay đến và trú đậu trong nhà, gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân. Bọ đậu đen thường xuất hiện vào đầu mùa mưa khi độ ẩm trong không khí cao, nhất là từ tháng 4 đến tháng 6 hằng năm.
Đại Hòa