Kính tốt cho nắng hè

(Dân trí) - Có phải màu kính râm càng sẫm càng tốt cho mắt hay màu sắc của kính râm chỉ có giá trị thời trang? Dưới đây là những hướng dẫn cơ bản để chọn một kính râm phù hợp và tốt nhất cho mắt, chuẩn bị đón một mùa hè chói chang ánh nắng.

Kính tốt cho nắng hè - 1

Màu kính không quyết định khả năng chống tia UV, thậm chí đôi khi còn gây hại cho mắt
  

Kính râm càng sẫm màu càng chống tia UV tốt?

 

Sai.

 

Tác dụng bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời phụ thuộc vào lớp chống tia UV trên kính râm chứ không phải do màu sắc kính quyết định. Ngược lại, kính càng sẫm màu mà không có lớp lọc UV vừa không bảo vệ được mắt mà lại còn có hại hơn khi không đeo kính. Lý do là trong bóng tối, con ngươi sẽ mở rộng, khiến nhiều tia UV vào mắt hơn.

 

Có ba loại tiêu chuẩn cho kính râm:

 

- Theo tiêu chuẩn của Australia, kính râm được chia làm 5 hạng, từ 0 đến 4, dựa vào lượng ánh sáng mà kính hấp thụ: hạng “0” có khả năng ngăn tia UV và ánh nắng ít nhất, hạng “4” có mức độ bảo vệ tốt nhất.

 

- Theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, các mắt kính cần có khả năng giữ cho tia UVB (280-315nm) đi qua không quá 1% và tia UVA (315-380nm) đi qua không quá 0,5 lần so với mức đi qua của ánh sáng nhìn thấy.

 

- Theo tiêu chuẩn châu Âu, kính hạng "0" là kính không ngăn được UV ở mức cần thiết, "1" là đủ mức, "2" là ngăn tốt, và "3" là ngăn được hoàn toàn.

 

Những màu sắc của kính mắt như hạt dẻ, xanh lá cây, hồng hay xanh da trời chẳng có tác dụng gì?

 

Sai.

 

Màu sắc của kính mang lại những tác dụng riêng. Các bác sĩ nhãn khoa khuyên chúng ta nên chọn loại mắt kính màu ghi, thậm chí có thể chọn màu hạt dẻ hoặc ghi -xanh lá cây vì đây là những màu sắc phản ánh đúng và chân thực màu bên ngoài. Còn với màu hồng và xanh da trời không được khuyến khích cho lắm vì nó làm sai lệch màu tiếp nhận.

 

Người bị cận, viễn không cần kính râm?

 

Sai.

 

Một số loại kính thuốc (cận, viễn, loạn) có thể được trang bị thêm lớp chắn tia UV. Nhưng phần mí mắt vẫn có nguy cơ phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Chính vì vậy, dù kính thuốc của bạn có được trang bị thêm lớp chống tia UV thì với những ngày nắng to, bạn vẫn nên đeo kính râm khi ra khỏi nhà.

 

Khiết Linh

Theo e-sante.fr