Kính sậm màu bảo vệ được mắt?
Nhiều người chọn kính sậm màu nhằm ngăn chặn ánh nắng chói chang. Thực ra, không phải kính cứ sẫm màu là ngăn được tia tử ngoại. Trong nhiều trường hợp, kính sậm màu còn gây hại cho mắt.
Khả năng lọc tia tử ngoại không phụ thuộc vào màu kính đậm hay nhạt, mà nhờ ở những chất tráng trên bề mặt kính. Những chất này hay được pha ngay trong nguyên liệu làm mắt kính.
Vì thế, khi sử dụng kính màu, cần mua ở những cửa hàng có uy tín và chọn những sản phẩm có khả năng ngăn chặn tia tử ngoại.
Trên thị trường có nhiều loại kính mắt nhuộm màu không rõ nguồn gốc, nếu sử dụng còn gây tổn hại đến mắt. Khi ra ngoài nắng, đồng tử có phản xạ co lại để hạn chế ánh nắng vào mắt.
Với kính nhuộm màu tối không có chức năng lọc tia tử ngoại, đồng tử giãn to khiến một lượng lớn tia này lọt vào mắt. Ánh nắng gây tổn thương cho đôi mắt như viêm giác mạc, đục thủy tinh thể, bỏng võng mạc, tổn thương đáy mắt.
Chọn kính râm
Mắt kính phải có khả năng chống chói và ngăn chặn tia tử ngoại, không làm sai lạc hình ảnh, màu sắc của vật được nhìn.
Mắt kính phải làm bằng kính nhãn khoa hay bằng chất dẻo đặc biệt, không có độ (kính mát bình thường) hoặc có độ (đối với những người bị các tật khúc xạ).
Mắt kính phải to đủ che mắt ở mọi góc độ (trên, dưới và 2 bên), chống lại các tia sáng mạnh và tia tử ngoại.
Mắt kính phải phù hợp với khuôn mặt. Mặt lớn không nên chọn kính quá nhỏ và ngược lại. Mặt tròn và dài nên chọn mắt kính vuông hay chữ nhật.
Kính râm thường được sử dụng trong những trường hợp
- Bị kích thích mắt như vừa mới khỏi đau mắt, hội chứng sợ ánh sáng.
- Bị bạch tạng.
- Lúc đi đường nắng (để vừa che bụi vừa đỡ chói).
- Làm việc thường xuyên trong phòng tối (chẳng hạn làm ảnh): Khi ra ngoài phải đeo kính màu một lúc mới thích nghi được với ánh sáng bên ngoài.
Theo BS. Nguyễn Hoa
Thanh Niên