1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kinh nghiệm quý của Pháp trong sử dụng kháng sinh hợp lý

(Dân trí) - Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Pháp- Việt “Sử dụng thuốc an toàn hợp lý", BS. Jan-Elie Malkin, Tư vấn quốc tế về bệnh truyền nhiễm và y tế công đã chỉ ra những gì người bệnh và xã hội được hưởng lợi khi quản lý hiệu quả việc sử dụng kháng sinh.


Trong bản đồ Sử dụng kháng sinh năm 2015, Việt Nam thuộc nước sử dụng và kê đơn kháng sinh cao nhất thế giới

Trong bản đồ Sử dụng kháng sinh năm 2015, Việt Nam thuộc nước sử dụng và kê đơn kháng sinh cao nhất thế giới

Càng dùng nhiều càng mất khả năng kháng khuẩn

Trong bài tham luận vô cùng công phu của mình tại Hội thảo do Nhóm Y tế Pháp tại Việt Nam phối hợp với LEEM (Hiệp hội các công ty dược phẩm Pháp) và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 10/5 tại Đại sứ quán Pháp, BS Malkin đã chỉ rõ tỉ lệ bác sĩ kê đơn và sử dụng kháng sinh thuộc nhóm nước cao nhất thế giới trên bản đồ Sử dụng kháng sinh năm 2015 của công ty IMS Health (Công ty cung cấp dữ liệu dược phẩm - Ảnh trên).

Đáng chú ý, mức sử dụng kháng sinh tại Việt Nam đã tăng vọt trong giai đoạn 2009-2015 với mức tăng gần gấp 3 so với giai đoạn 2005-2009.

Theo báo cáo của đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam về thực trạng sử dụng thuốc tại Việt Nam trong 30 hoạt chất có chi phí nhiều nhất năm 2017 tại các bệnh viện, kháng sinh chiếm phần lớn. Trong đó, riêng kháng sinh amoxicillin tăng 20% so với năm 2017 với số tiền lên tới gần 623 tỉ; kháng sinh cefoxitin tăng đột biến tới 443%, từ 76,5 tỉ lên gần 416 tỉ.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết Bộ đang tập trung vào việc quản lý việc sử dụng kháng sinh như thế nào cho hiệu quả.

Đặc biệt, BS Malkin đã dẫn số liệu đăng tải trên các phương tiện truyền thông tại Việt Nam về tình trạng bán kháng sinh không theo kê đơn chiếm tới 88% lượng kháng sinh bán tại các đô thị và lên tới 91% ở khu vực nông thôn.

Hậu quả là WHO đưa Việt Nam vào danh sách các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới khi tỉ lệ kháng kháng sinh với các loại kháng sinh thuộc nhóm carbapenem đã tăng tới 50%, chủ yếu từ vi khuẩn gram âm; còn tỷ lệ kháng kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ thứ 3 đã tăng lên hơn 60% trong cả nước.

BS Malkin cho rằng Pháp có sự tương đồng với Việt Nam về tình trạng sử dụng nhiều kháng sinh. Trong đó vấn đề của Pháp không phải là sử dụng kháng sinh đắt tiền mà là sử dụng nhiều loại kháng sinh khác nhau, từ rẻ nhất đến đắt nhất, khiến khoảng 150.000 trường hợp nhiễm khuẩn kháng thuốc; 12.500 ca tử vong và 70 – 440 triệu euro chi phí phát sinh cho hệ thống y tế.

“Việc kê đơn và sử dụng kháng sinh thiếu kiểm soát là mối đe dọa chung, không của riêng nước nào”, BS Malkin cho biết tại Hội thảo.


BS. Jan-Elie Malkin, Tư vấn quốc tế về bệnh truyền nhiễm và y tế công

BS. Jan-Elie Malkin, Tư vấn quốc tế về bệnh truyền nhiễm và y tế công

Chiến lược “cùng thắng” trong quản lý kháng sinh

Mặc dù mức giảm chung 11,4% sử dụng kháng sinh trong giai đoạn 2000-2015 nhưng từ năm 2010, việc sử dụng kháng sinh tại Pháp đã có sự tăng nhẹ. Do đó, năm 2014, chính phủ Pháp đã đưa vào chương trình Quản lý kháng sinh theo chiến lược “win - win” cho bệnh nhân - ngành y tế - nền kinh tế.

Trong năm 2017, khuyến nghị mới về việc sử dụng kháng sinh nào cho các bệnh nhiễm trùng thông thường và loại kháng sinh nào để bảo vệ những trường hợp nghiêm trọng nhất đã được bổ sung vào danh sách các loại thuốc thiết yếu của WHO.

Yếu tố cốt lõi của chương trình Quản lý kháng sinh này là xây dựng các bộ cẩm nang hướng dẫn quốc gia và quốc tế cũng như các khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị các loại bệnh nhiễm khuẩn để từ đó tránh sử dụng kháng sinh khi không cần hoặc không chỉ định; kê loại kháng sinh phù hợp nhất, đúng liều, tuỳ theo từng loại bệnh, độ tuổi, tình trạng lâm sàng cũng như thể trạng của bệnh nhân; sử dụng phác đồ kháng sinh hiệu quả ngắn nhất.

BS Malkin dẫn chứng: Với những trường hợp chỉ cần dùng kháng sinh 5 ngày thì kê 5 ngày, không nên kê 7 ngày vì như vậy cũng là lạm dụng kháng sinh.

Kết quả là chương trình này, trong ngắn hạn (1 năm) đã giảm 18% lượng kháng sinh tiêu thụ, giảm chi tiêu cho kháng sinh lên tới gần 400.000 euro cho các ca can thiệp và hơn 460.000 euro cho các ca không can thiệp. Về dài hạn (3 năm), chương trình đã tiết kiệm gần 7.500 euro/người do tránh được nhiễm khuẩn kháng kháng sinh và tiết kiệm gần 10.000 euro/người do tăng 1 năm tuổi thọ.

BS Malkin cũng dẫn chứng 221 nghiên cứu tại Mỹ trên từng bệnh viện về hiệu quả quản lý kháng sinh với kết quả giảm 20% mức tiêu thụ kháng sinh, giảm 34% chi phí điều trị, giảm 20% thời gian nằm viện, giảm tỉ lệ tử vong 35%...

Bác sĩ Malkin cũng cho rằng “Giải pháp duy nhất, không có thay thế, cho sự thành công của chương trình này là sự phối hợp các bên có liên quan”.

BS Malkin giải thích: “Nếu Bộ Y tế - các bác sĩ - bảo hiểm y tế không phối hợp, không có sự ràng buộc trách nhiệm - kiểm soát lẫn nhau trong việc áp dụng quản lý kháng sinh an toàn hợp lý thì dù trình độ bệnh nhân, bác sĩ hay văn hóa, kinh tế nào cũng không thể triển khai được chương trình này”.

Đại diện cho sự phối hợp này tại Pháp chính là Ủy ban kháng sinh địa phương tại mỗi bệnh viện, trong đó lấy Trung tâm tư vấn điều trị bằng kháng sinh cấp vùng làm nòng cốt. Khảo sát tháng 7/2014 cho thấy 90% bác sĩ kê đơn theo khuyến cáo của Trung tâm và 95% sử dụng phần mềm của Trung tâm khi khám cho bệnh nhân.

Trần Phương