Kinh hoàng thực phẩm bẩn!
Theo báo cáo của Liên hiệp các Hội KHKT TPHCM, 80% thực phẩm tại TPHCM có nguy cơ mất an toàn bởi các loại thuốc tăng trưởng, hoá chất bảo quản, tạo màu, mùi vị… đang bị lạm dụng vô tội vạ.
Nguồn gốc: Không rõ
Nguy hiểm hơn cả là cảnh báo ngộ độc từ các loại thực phẩm được tẩm hóa chất. Tại chợ sỉ hóa chất Kim Biên ở quận 5, các loại hương liệu, màu, mùi vị... thập cẩm được bày bán công khai bất chấp loại có xuất xứ hay không. Trong vai một người đi mua hương liệu bò về nấu phở, chủ cửa hàng T.H giới thiệu hương liệu bò với giá 260.000đ/lít màu vàng nhạt đựng trong can nhựa 2 lít. Chủ cửa hàng còn hướng dẫn, một nồi phở chẳng cần hầm xương làm gì cho tốn tiền, chỉ cần 5-10 muỗng canh nước hương liệu bò bỏ vào là mùi thơm của bò bốc lên cộng với vị “ngọt” của nước lèo. Hương liệu bò được đựng trong can nhựa không có bất kỳ nhãn hiệu, tên tuổi niêm yết bên ngoài. Người bán còn giới thiệu thêm hàng loạt các loại hương liệu khác như: Lợn, gà, dê với giá tương tự.
Tại Hà Nội, dạo quanh thị trường, NTD dễ dàng mua được hàng trăm loại phụ gia thực phẩm với đầy đủ hương liệu, chất tạo màu, tạo mùi tại chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, Hàng Buồm... mà không có bất kỳ thông tin nào về xuất xứ, cách dùng, hạn sử dụng. Tại một cửa hàng chợ Bắc Qua, khi hỏi mua một số chất phụ gia làm để chuẩn bị cho mở quán hàng cơm bình dân sắp tới, với tay lấy 2 túi nylon loại 1kg có màu trắng mịn như bột mì, không nhãn mác (một loại bao bì ghi chữ “cần sủi”, một loại ghi “sămpết”), bà chủ cho biết dùng cần sủi để làm nhừ thức ăn nhanh, mỗi lần nấu chỉ cần cho một chút vào là thức ăn nhừ nhanh mà tiết kiệm thời gian nấu. Còn dùng sămpết thì cứ yên tâm không sợ thức ăn ôi thiu kể cả những ngày hè nóng nực với giả rẻ bất ngờ 30.000 đồng/kg. Kể cả những chất phụ gia thực phẩm độc hại như bột sắt nhuộm gà, rhodamine B tạo màu trong tương ớt và trước đó là nhuộm đỏ hạt dưa cũng dễ dàng tìm mua tại đây với giá 100.000đ/kg.
Ẩn hoạ
BS Phạm Kim Bình - Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM - cho biết sáu tháng đầu năm 2011, qua kiểm tra 105 bếp ăn tập thể, số lượng vi phạm là 85 - chiếm tỉ lệ 81,6%. Thanh tra đã tiến hành đình chỉ 10 cơ sở. Mặc dù có 94/105 cơ sở do đoàn Sở Y tế thanh tra được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, nhưng đã có 74 cơ sở phát hiện vi phạm (chiếm gần 80%). Trong 6 mẫu mì chả các loại được lấy xét nghiệm thì đã có 5 mẫu “ngậm” hàn the. Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM cũng cho biết trong 30 mẫu thịt lợn quay lấy ở chợ và các cơ sở, có đến 4 mẫu ở 4 cơ sở dùng phẩm màu không cho phép. Mặc dù đã có luật điều chỉnh, tuy nhiên, chính vì chạy theo lợi nhuận và quy định xử phạt còn quá nhẹ tay nên vô hình trung tạo kẽ hở cho các cơ sở sản xuất bẩn tiếp tục có đất sống, để rồi cuối cùng chỉ có người dân hứng chịu các căn bệnh mạn tính...
Được biết tại VN hiện có hơn 300 loại phụ gia thực phẩm được đưa vào danh mục được phép sử dụng và phụ gia này trên bao bì đều ghi rõ tên chủng loại hóa chất, thành phần hóa học, liều lượng, cách dùng. Nhưng thực tế hiện nay có nhiều loại phụ gia không rõ nguồn gốc đang bày bán công khai. Theo quy định của pháp luật hiện nay chỉ cấm việc sử dụng các phụ gia thực phẩm độc hại trong sản suất, chế biến thực phẩm (trong danh mục cấm), chứ không cấm việc mua bán vận chuyển. Và như vậy, các hóa chất công nghiệp cấm không được dùng làm chất phụ gia thực phẩm vẫn ngang nhiên được sử dụng và nó đã gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như có thể sẽ gây đột biến gene, ung thư. Nếu các hóa chất độc hại tích tụ lâu trong cơ thể, nó sẽ phá hủy cơ quan nội tạng như gan và thận. Một số hóa chất bảo quản như formol, hàn the và bột sắt có thể sẽ gây ra biến dị nhiễm sắc thể, ảnh hưởng sự phát triển bào thai, dùng nhiều sẽ gây tổn thương tế bào gan và là tác nhân gây ung thư, còn bột sắt dù với hàm lượng nhiều hay ít đều có khả năng tích tụ mầm bệnh ung thư.
Theo Võ Tuấn - Đặng Tiến
Lao động