1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kinh hoàng rau non ngâm chất thải, nấm “đội lốt” thương hiệu Việt

Nhiều người dân đã bạt vía, kinh hồn khi những thông tin rau non ngâm chất thải bồn cầu, rau nhiễm sán, nấm đội lốt Việt… đang tung hoành trên thị trường.

Rau rút độc?

Rau rút độc?

Rau rút là món ăn ngon, mát khi trời nắng nóng. Tại vựa rau ở Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi - nơi cung cấp những ngọn rau rút mã đẹp xanh non mơn mởn, giá không đắt cho cư dân TP Hồ Chí Minh một số nông dân đã “bật mí” về bí kíp trồng rau như sau: Trước khi thu hoạch khoảng 20 ngày thì liên hệ với các tài xế chuyên cho xe đi hút bồn cầu tới đêm xả vào hầm, rồi chủ ruộng tháo bớt nước ruộng, bơm nước vào hầm chứa phân. Sau đó mở hỗn hợp nước - chất thải bồn cầu chảy trực tiếp vào ruộng rau.

15 ngày sau ruộng rau xanh non mơn mởn chủ ruộng cắt bán, không tốn tiền mua phân bón hóa học. Các nhà khoa học cũng phải test nhiều kiểm chứng mới xác định được rau nhiễm chất bẩn không, chứ không thể phân biệt được bằng mắt thường.

Các nhà khoa học và chính quyền nhiều địa phương khuyến cáo bà con không nên bón chất thải bồn cầu cho rau rút. Nếu bón phân tươi, chất thải bồn cầu rất nguy hiểm vì có chứa nhiều trứng giun sán, vi sinh vật gây bệnh, gây bệnh cho người ăn.

Theo GS.TS khoa học Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh), ăn phải rau trồng trong vùng bị ô nhiễm, kim loại nặng sẽ vào cơ thể, tích lại trong gan, mỡ và thận… Về lâu dài sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ung thư.

Phân chuồng tươi (của trâu, bò, ngựa, lợn, phân gia cầm...) bón rau tốt vì đủ mùn, các loại khoáng đa, vi lượng… Nhưng phân tươi, nước ô nhiễm không được dùng trực tiếp cho rau, mà phải qua xử lý mới dùng được. Do đó rất cần cơ quan chức năng ngăn chặn triệt để nông dân không trồng rau ở những vùng đất bị ô nhiễm, hoặc bón những loại phân nguy hại.

Hoảng hồn với nhiễm
sán

Hoảng hồn với nhiễm sán

Chuyện rau rút bón chất thải bồn cầu chưa lắng, thì tại Hà Nội các loại rau trồng nước ở ao đầm nhiễm sán, gây họa cho người ăn đang là chủ đề “hot”. Cư dân mạng chụp cả ảnh bên trong thân cây cải xoong lúc nhúc đầy ấu trùng rất kinh hãi để cảnh báo người dân khi ăn các loại rau thân ống trồng nước.

Hà Nội vừa trải qua mấy đợt rét đậm liền, giá rau xanh tăng vọt gấp 4 lần so bình thường, nên thông tin rau nhiễm sán, cùng hình ảnh kinh hoàng đã làm các bà nội trợ lo lắng. Thực tế có nhiều tiểu thương bán rau đã nhặt rau giúp các bà nội trợ rất nhanh, tất nhiên nhặt hộ thì khó sạch như chính mình làm. Lỡ làm món rau sống trộn, hay xốt cà chua thì dù rửa sạch, ngâm thuốc tím, nước muối cũng chỉ ở bên ngoài, và ấu trùng giun sán vẫn được nuốt vào bụng.

Các loại rau muống, cải xoong, cần rất nhiều người ăn tái, ăn sống thường được trồng ở những vùng ngập nước, ruộng càng nhiều nước và sâu bùn thì rau càng non và phát triển mạnh. Nếu rau này trồng ở vùng nước ô nhiễm, nước thải còn có nhiều chất độc khác nữa, bởi rau hút những chất đó để sống, và các chất độc theo vào cơ thể, gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội): Các loại rau trồng ở dưới nước, đặc biệt ở những vùng nước thải, nước ô nhiễm có nguy cơ chứa rất nhiều những loại giun sán, ký sinh trùng mắt thường có thể phát hiện. Loại này khi vào cơ thể người chúng sẽ bị chết (bất kể ăn rau sống, tái hay chín) vì môi trường cơ thể không thích hợp.

Mắt thường không thể nhìn được trứng giun sán, ấu trùng. Sau khi ăn sống, nấu tái, chín (qua 100 độ C) các loại trứng giun sán giảm bớt nhiều, nhưng chúng vẫn có thể còn bám vào rổ rá, vật dụng nhà bếp, hoặc dính ở tay và con người vô tình đưa lên miệng là chúng vào cơ thể người.

Nguy hiểm là trứng giun sán, ấu trùng bám vào rau khi vào cơ thể sẽ bám vào ruột rồi chui qua thành ruột, vào trong máu và đi tới các bộ phận trong cơ thể... và nở thành giun sán và nằm đó sẽ gây hại cho cơ thể. Nhiều ca bệnh đã mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm giun sán qua đường ăn uống.

Nấm bị hạ kệ

Nấm bị hạ kệ

Nấm tuyết, nấm kim châm, nấm đùi gà.. là thực phẩm bổ dưỡng cao cấp, giá cao hơn nấm Việt (nấm mỡ, nấm sò, nấm hương) được nhiều người ưa thích đang bị các siêu thị hạ kệ.

Nấm thường chỉ có thể bảo quản 5 -7 ngày sau khi thu hoạch. Nhưng các loại nấm cao cấp bảo quản từ 8-20 ngày, tiềm ẩn nguy cơ gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
 
Sau khi đóng gói nấm chỉ có thể dùng trong vòng 1 tuần (nếu bảo quản lạnh). Nấm tươi để quá hạn là mầm mống của nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nấm quá hạn sẽ có các loại vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng, độc tố vi khuẩn nguy hiểm có thể gây ngộ độc, thậm chí ung thư.

Trong khi chờ Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đi lấy mẫu phân tích và công bố kết quả, các siêu thị đã tạm ngừng bán một số loại nấm nhập.

Để phòng tránh rau bẩn cần:

- Mua rau trồng theo quy trình sạch, nguồn nước tưới được đảm bảo.

Nếu phải ăn sống, nên rửa nhiều lần và ngâm trong nước muối theo hướng dẫn của ngành y tế.

- Thực hiện việc chế biến theo nguyên tắc “ăn chín uống sôi”, để những loại rau có mang theo trứng, ấu trùng giun sán giảm ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt người sản xuất những loại rau trồng nước cần lưu ý loại bỏ chất bẩn từ nơi sản xuất.

Với nấm:

Nên mua nấm kim châm và các loại nấm cao cấp đóng gói trong bao bì túi nilon, in đầy đủ thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng…. bán ở các cửa hàng rau sạch, siêu thị.

- Xem xét kỹ các thông tin được in trên bao bì sản phẩm. Bao bì có thông tin về nhà cung cấp để tránh mua phải các loại nấm không đảm bảo chất lượng.

- Chọn gói nấm còn tươi, có màu trắng.

- Cái nấm không bị giập nát, không rỉ nước nhờn.

- Nấm kim châm bảo quản đúng khuyến cáo của nhà sản xuất (từ 1 - 5 độ C) có thể dùng trong vòng 45 ngày, kể từ ngày sản xuất (tùy thời tiết mà có thể để nấm ở ngoài 1 - 3 ngày sau khi ra khỏi môi trường bảo quản lạnh.

Nấm không bảo quản đúng cách sẽ nhanh bị hỏng, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người ăn.

Theo Trà Giang
Gia đình Xã hội