1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kinh hoàng di chứng bỏng do tạt axit

(Dân trí) - Không chỉ để lại các di chứng sẹo sau bỏng, mà với tính chất ăn mòn của axit còn gây hậu quả nặng nề hơn rất nhiều, gây ra tình trạng sẹo co kéo biến dạng gương mặt, mù mắt, mất mũi, gây điếc... Những nỗi đau tinh thần ám ảnh suốt cuộc đời còn lại người bệnh.

Mới đây nhất, khi đang tham gia giao thông trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TPHCM, cô gái trẻ đã bị hai nam thanh niên chạy xe gắn máy cùng chiều vượt lên tạt a xít vào mặt. Sự việc xảy ra khiến những người qua đường cũng một phen kinh hoàng vì ngoài phần áo quần, tư trang bị cháy, thịt da nạn nhân cũng bốc khói trong tiếng kêu cứu thảm thiết.

Bệnh nhân được xác định bỏng 4% đến 5% (độ I, II). Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị bỏng lưỡi, đặc biệt là tình trạng bỏng mắt trái (độ III, IV) mắt phải (độ II, III). A xít đã tấn công vào giác mạc khiến mắt bệnh nhân bị bỏng trắng, các bác sĩ đang cố gắng cứu chữa nhưng tình trạng bỏng quá nặng nên nhiều khả năng bệnh nhân sẽ khó giữ được thị lực.

Một bệnh nhân bị bỏng axit ăn mòn đến tận xương. Ảnh: T.H
Một bệnh nhân bị bỏng axit ăn mòn đến tận xương. Ảnh: T.H

Trước đó, tại Nam Định hai chị em ruột Nguyễn Thị Quỳnh T và Nguyễn Thị Quỳnh A cũng phải nhập viện trong tình trạng sốc nặng do bỏng a-xít. Cháu Quỳnh T thì bỏng axít 44% độ sâu, trong đó có vết thương ở tai phải, dù được phẫu thuật thuật nhưng không có khả năng bình phục khả năng nghe. Còn Quỳnh A lại bị bỏng giác mạc, giảm thị lực rất nhiều..

Theo BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, hậu quả của các ca bỏng axit thường rất kinh hoàng. Bởi axit có tính ăn mòn, khi bị tạt axit, axit ăn sâu, phá hủy da, gân, mỡ, làm vón cục protein tại đó. Nếu bị dính axit ở những khu vực như đầu gối, mu bàn chân, ngón chân, ngón tay... axit có thể ăn mòn cả sụn, đến tổ chức xương. Nếu bị phủ lên đầu, có thể phá hủy một phần hộp sọ. Trong khi đó, những ca tạt axit thường có chủ ý, nên người bị hại thường bị tạt thẳng vào vùng đầu, mặt nên nguy cơ mù mắt do axit ăn mòn giác mạc, tạt thẳng vào mũi gây bào mòn mũi, cụt vành tai, điếc vì gây sẹo co cứng ở vùng tổn thương.

Mới đây nhất, khoa Bỏng (BV Xanh Pôn) tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân được chuyển đến từ Đan Phượng, Hà Nội do bị bỏng axit sunfuric H2SO4 trong quá trình lao động. Bệnh nhân này bị bỏng sâu độ IV (25% cơ thể, mạch máu, gân bị đông vón đen sì). Bệnh nhân được phẫu thuật lấy phần hoại tử hôm sáng 31/3 nhưng còn phải trải qua ít nhất 2 lần ghép da, nhưng khó giải quyết tình trạng sẹo co kéo do tổn thương axit mang lại.

Theo GS.TS Nguyễn Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, điều trị phục hồi chức năng, phẫu thuật thẩm mỹ cho những bệnh nhân bỏng nặng là một cuộc chiến kéo dài, với tổn thương do axit lại càng khủng khiếp hơn. Bởi với tính chất ăn mòn, axit phá hủy toàn bộ diện mạo cơ thể, do đó việc phục hồi lại hình dáng ban đầu rất khó.

Nữ sinh bị tạt axit ở TP Hồ Chí Minh khó phục hồi được thị lực.
Nữ sinh bị tạt axit ở TP Hồ Chí Minh khó phục hồi được thị lực.

Có những bệnh nhân bỏng axit phải trải qua 20 - 30 lần phẫu thuật nhưng không thể trả lại hình hài ban đầu cho họ bởi axit đã “ăn” cụt vành tai, cụt mũi, rồi ăn mòn giác mạc đã gây mù, sẹo co kéo biến dạng khuôn mặt.

GS Sơn cho biết, bệnh nhân mới nhất là anh Nguyễn Văn V. (30 tuổi, Đà Nẵng) đã trải qua 8 lần phẫu thuật các bác sĩ mới dần tái tạo lại được diện mạo cho anh. “Bệnh nhân bị ăn mòn mũi và tai trái, 2 mắt bị mù, mí mắt dính chặt vào nhau, phần trán trái kéo lên giữa nửa đầu bị tróc da, mất toàn bộ tóc... nay đã được tái tạo phần sống mũi, chân mày, cằm nhưng cũng chỉ phục hồi được khoảng 40% diện mạo còn phải tiến hành thêm nhiều cuộc phẫu thuật nữa”, GS Sơn nói.

Bên cạnh nỗi đau thể xác, những nạn nhân của tạt axit chịu nỗi đau tinh thần rất lớn bởi họ không chấp nhận nổi sự thay đổi diện mạo kinh hoàng của cơ thể. Một phần khiến các trường hợp bỏng axit ăn mòn sâu hơn là do không được sơ cứu đúng cách, nạn nhân bị tạt axit mọi người cứ vậy ôm thẳng đến viện. Có những trường hợp người sơ cứu cũng bị bỏng do dính phải axit này.

Khi thấy người bị bỏng axit, phải ngay lập tức rửa vùng bỏng bằng nước nước sạch càng nhiều càng tốt. Tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy để trôi axit đi.

Đừng do dự nếu ngay lúc đó nguồn nước không sạch lắm (bạn có thể dùng cả nước ở sông, ao hồ, ruộng…) miễn là sớm nhất nhằm làm loãng nồng độ axit.

Nếu để nguyên, axit càng ăn mòn sâu, gây hoại tử hoàn toàn vùng bị bỏng. Phải nhanh chóng tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất. Khi tháo phải lưu ý bảo vệ tay của người làm động tác đó (không dùng tay trần để tháo có thể bị axit ăn mòn).

Tuyệt đối lưu ý không cứ thế lột bỏ quần áo dính axit vì lúc này, vùng da dưới quần áo đã bị axit ăn mòn, nếu lột như vậy sẽ kéo theo từng mảng da gây đau đớn cho người bệnh, dễ bị nhiễm trùng. Hãy xé, cắt bỏ quần áo dính hóa chất, băng vết bỏng lại và chuyển ngay tới bệnh viện chuyên khoa gần nhất.

Nếu axit bắn vào mắt, hãy rửa mắt bằng cách cúi úp mặt xuống nước rồi chớp mắt nhiều lần để rửa axít khỏi mắt càng sớm càng tốt. Axit bị loãng đi, khả năng ăn mòn cũng giảm theo người bệnh mới có cơ hội cứu khỏi những tổn thương nặng nề.

Hồng Hải