Kinh hoàng "bài thuốc" giải rượu của đệ tử lưu linh

(Dân trí) - Nhức đầu, nặng đầu sau uống rượu bia, nhiều người "chơi" ngay vài viên pamin, decolgen, thậm chí là aspirin... Đa phần trong số họ không biết thành phần chính của loại thuốc này là paracetamol và rất có hại cho chức năng gan nếu trong người có chất cồn.

Theo BS Trần Văn Phúc, BV Xanh Pôn, Hà Nội, paracetamol là thành phần chính trong các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chữa cảm cúm... ít tác dụng phụ, hiệu quả và khá an toàn. Song, nếu dùng quá liều hay coi đó như một loại thuốc giải rượu thì có thể gây ngộ độc nặng và ảnh hưởng rất xấu đến chức năng gan, thậm chí gây hoại tử gan khiến người bệnh có nguy cơ tử vong.

 

Hay như Aspirin, một loại thuốc mà nhiều người dân, nhất là ở các vùng nông thôn vẫn quen dùng để giảm đau, hạ sốt, khi uống phối hợp với rượu sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa.

 

Theo BS Phúc, hai loại thuốc này đều giảm đau, nhức đầu rất hiệu quả. Vì thế, sau uống rượu mà dùng loại thuốc này, họ sẽ thấy hết nhức đầu, dễ chịu. Nhưng đây chỉ là lợi trước mắt, nó kéo theo một mối nguy cho sức khoẻ con nguời sau này.

 

Vì paracetamol là một loại thuốc có ảnh hưởng rất xấu đến chức năng gan khi uống quá liều và uống chung với rượu. Lý do là khi ngộ độc paracetamol, nồng độ paracetamol trong máu quá cao, vượt quá khả năng khử độc của gan, khi ấy chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan.

 

Trong khi đó, khi uống rượu vào cơ thể, gan cũng phải làm việc cật lực để thải các chất độc từ rượu ra ngoài (nhất là với các loại rượu nấu thủ công, gan càng phải làm việc nhiều hơn). Người uống rượu nhiều, chức năng gan đã yếu, uống paracetamol vào càng tạo điều kiện thuận lợi để chất độc phá huỷ gan.

 

"Vì thế, uống rượu đã hại cho gan, nay lại dùng paracetamol để... giải rượu thì thật là con dao hai lưỡi, người say ít cảm giác choáng, nhức đầu ngay sau đó nhưng bù lại, gan lại phải làm việc gấp đôi. Nếu vượt quá khả năng khử độc của gan, khi ấy, chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan. Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp", BS Phúc nói.

 

TS Phạm Duệ, Phó Giám đốc TT Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, đến này, chưa có nghiên cứu nào cho rằng paracetamol có thể "giải rượu". Theo điều tra những bệnh nhân từng phải nhập viện vì ngộ độc paracetamol, rất nhiều người bị suy yếu chức năng gan có lý do từ việc uống loại thuốc này để giảm đau nhức mà không để ý mình vừa uống rượu bia cách đó chưa lâu.

 

Vì thế, tuyệt đối không nên uống rượu khi dùng thuốc để giảm nguy cơ ngộ độc cho gan. Hơn nữa, để phòng ngộ độc paracetamol do dùng quá liều, người bệnh không nên uống nhiều loại thuốc cảm cúm cùng một lúc, vì đa phần các loại thuốc này đều chứa thành phần có chất paracetamol. Khi có biểu hiện ngộ độc, bằng mọi cách phải gây buồn nôn, và đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.

 

Hồng Hải