Kiểm tra độ an toàn của đồ chơi

(Dân trí) - Bạn đang tìm mua đồ chơi cho bé tuổi 2 - 4? Hãy ghi nhớ những nguyên tắc an toàn dưới đây trước khi quyết định chọn mua nhé!

Đồ chơi theo lứa tuổi

 

Các thông tin trên nhãn sản phẩm sẽ giúp bạn tìm được đồ chơi phù hợp nhất với lứa tuổi, sự khéo léo và sở thích của bé.

 

Một sản phẩm tốt phải có các thông tin về kỹ năng trẻ có thể học được khi chơi cũng như hướng dẫn cách kiểm tra xem đồ chơi có an toàn với lứa tuổi của bé hay không.

 

Dạy trẻ chơi

 

Khi con bạn có đồ chơi mới, bạn cần chú ý:

 

- Đọc hướng dẫn sử dụng: Hướng dẫn cách lắp đặt là bước đầu tiên bạn cần quan tâm, đặc biệt là với những đồ chơi có cấu tạo phức tạp. Việc lắp đặt đúng sẽ hạn chế được các trục trặc cũng như tai nạn đáng tiếc có thể dẫn tới thương tích cho bé.

 

- Do bé chưa biết đọc nên hướng dẫn cách chơi cũng sẽ rất quan trọng vì nó sẽ khơi gợi sự hứng thú, quan tâm của trẻ. Nếu cha mẹ “vụng” trong chuyện này, chắc chắn bé sẽ nhanh chóng chán ngấy với đồ chơi mới.

 

Kiểm tra kỹ

 

- Lưu ý với các hộp đóng gói: Những đồ chơi có thể tháo lắp, nhiều chi tiết thường được đóng hộp cẩn thận vậy nên hãy tháo bỏ tất cả các loại hộp, giấy bọc đồ chơi trước khi đưa cho trẻ. Trẻ có thể bị ngạt do các túi nhựa, ngộ độc do nuốt phải các mảnh xốp nhỏ, giấy gói; bị thương do các cạnh sắc của vỏ hộp.

 

- Kiểm tra tính chắc chắn của sản phẩm: Một trong những yêu cầu an toàn đối với đồ chơi là độ chắc chắn của sản phẩm. Một đồ chơi an toàn phải được làm từ các vật liệu bền, không thể bẻ hay xé, các mối ghép của nó phải ở dạng mỏ neo, khó tháo dời. Các bộ phận có thể tháo dời không được quá nhỏ khiến trẻ có thể nhét vào mũi, tai..

 

- Kiểm tra tính dẫn điện: Trẻ tuổi mẫu giáo rất hứng thú với những đồ chơi nho nhỏ nhưng đừng cho bé những đồ vật có thể nhét vào các ổ điện.

 

- Loại bỏ những đồ chơi hỏng: Đồ trang trí, bóng cao su xẹp là thủ phạm gây ra cái chết cho 7 - 10 trẻ nhỏ Mỹ mỗi năm. Những quả bóng xẹp hoặc vỡ luôn làm trẻ tò mò, thử chụp lên đầu và bị ngạt thở.

 

- Tránh những đồ chơi có dây rợ: vì nó có thể khiến trẻ bị ngạt khi vô tình cuốn quanh cổ.

 

- Tránh các đồ chơi dạng viên và có góc cạnh vì chúng có thể gây tai nạn, đặc biệt là những đồ chơi nhựa bị vỡ cần được vứt bỏ ngay.

 

- Chỗ cất đồ chơi nên ở khu vực dễ lấy, dễ mở, vừa tầm với trẻ. Không nên cất đồ chơi dưới gầm cầu thang hay ở những vị trí trên cao vì không phải bao giờ bạn cũng giúp trẻ lấy được thứ chúng muốn..

 

- Cẩn thân với đồ chơi có nắp: Cần kiểm tra độ an toàn của nắp vì nó có thể sập xuống, làm trẻ bị ngạt khi chui vào trong hoặc bị kẹp ngón tay.

 

Nhân Hà

Theo MSN

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ