Kiểm soát nhịp đập của trái tim
(Dân trí) - Chứng loạn nhịp tim rất dễ nguy hiểm tới tính mạng. Vì thế cần biết cách nhận biết triệu chứng để kiểm soát nhịp đập của trái tim mình.
Những bệnh nguy hiểm từ chứng loạn nhịp tim
Một điển hình của bệnh tim nặng là chứng nhịp tim nhanh tâm thất. Đôi khi chỉ xảy ra ở một tâm thất bắt đầu đập nhanh với nhịp hơi lạc. Lúc này, lượng máu do tim đẩy vào động mạch giảm đáng kể. Bạn thấy yếu mệt, ra nhiều mồ hôi và bất tỉnh. Hiện tượng rung tâm thất đôi khi là một biến chứng của nhịp tim nhanh tâm thất và có thể gây tử vong.
Bạn sẽ cảm thấy gì?
Đột nhiên, bạn thấy tim mình đập thình thịch dữ dội, hơi thở gấp gáp, tức ngực hoặc hụt hơi, cảm thấy nôn nao, khó chịu, có thể cả vã mồ hôi đầm đìa nữa. Và nếu đo thì nhịp tim của bạn từ 72 lần đập trong một phút đã tăng vọt thành 120, 180 rồi 200. Nếu như tim bạn đã không điều hoà được nữa thì cần phải đi khám ngay để phân định bạn bị chứng bệnh gì.
Có thể tự điều hoà nhịp tim
Các bác sĩ sau khi khám và loại trừ các chứng bệnh trên mà khẳng định bạn bị chứng tim đập nhanh và chính xác hơn nữa là chứng nhịp tim nhanh tâm nhĩ kịch phát thì bạn có thể tự điều hoà bằng nhiều phương pháp.
Tác động vào thần kinh lang thang:
Tim bạn đập nhanh bao nhiêu và co thắt mạnh bao nhiêu là do dây thần kinh giao cảm tác động khi bạn hoạt động nhanh. Và nếu gây hưng phấn thần kinh lang thang bằng cách hít một hơi thật sâu và nín hơi một lúc, bạn sẽ khống chế được tình trạng này. Bạn cũng có thể tác động vào thần kinh lang thang bằng cách nhẹ nhàng xoa bóp động mạch cảnh nơi nó nằm giữa vùng cổ đến dưới quai hàm.
Điều chỉnh chế độ ăn uống:
Giai đoạn này cần phải bỏ thói quen sử dụng cà phê, ca cao, trà và thuốc lá, nghĩa là những thứ gây kích thích. Nếu bạn bỏ bữa ăn chính và thay vào đó là các đồ ăn ngọt thì insulin trong cơ thể sẽ sản xuất quá độ và bạn sẽ bị giảm glucoza huyết. Đồng thời các tuyến thượng thận mang adrenaline lại để huy động glycogen tồn trữ trong gan, chính adrenaline sẽ gây hưng phấn khiến tim đột nhiên tăng nhịp đập và tạo cảm giác hốt hoảng.
Vậy bạn cần ăn đều, không bỏ bữa, ăn thêm nhiều rau, hoa quả, đậu nành, các loại ngũ cốc và hạn chế đồ ngọt. Vào đúng lúc nhịp tim tăng lên, bạn hãy thử uống một cốc nước mát và ngâm mặt vào nước lạnh trong vòng 5 giây.
Thư giãn tinh thần và luyện tập thể thao:
Nghỉ ngơi là yếu tố tốt nhất chặn đứng nhịp tim đập nhanh. Có thể ngưng công việc căng thẳng mà bạn đang làm, chọn một hình thức giải toả thích hợp như nghe nhạc, đọc sách, đi bộ nhẹ nhàng. Bạn không nên để những cú sốc tinh thần, những biến động tâm lý đột ngột dễ dàng tác động. Cần hạn chế xem những bộ phim kích động, bạo lực hay quá xúc động.
Ngoài ra, tập thể dục đều đặn cũng là yếu tố quan trọng để kiểm soát nhịp tim. Có thể khi mới tập luyện, bạn sẽ thấy nhịp tim tăng lên, nhưng bạn hãy kiên trì, tập từ chậm đến nhanh, từ dễ đến khó và nhất là phải thật đều đặn, bạn sẽ thấy nhịp tim mình dần ổn định trở lại.
Kiều Nga - Hồng Hải