Kiểm soát đau hiệu quả giúp nâng chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư
(Dân trí) - Kiểm soát đau hiệu quả không chỉ giúp làm dịu nỗi đau, nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân ung thư, mà còn xoa dịu những lo lắng cho thân nhân người bệnh.
"Điều trị đau ung thư không chỉ giúp bệnh nhân giảm nhẹ đau đớn mà còn nâng đỡ tinh thần cho gia đình của họ. Ngay cả khi bệnh nhân qua đời, thân nhân của họ cũng cảm thấy an ủi, vì đã làm hết sức cho người nhà trong giai đoạn cuối. Có rất nhiều người nhà của bệnh nhân ung thư day dứt, chịu đựng sự tổn thương tinh thần kéo dài, thậm chí là trầm cảm, khi chứng kiến người thân bị cơn đau hành hạ vào cuối đời", bác sĩ Nguyễn Nam Bình, Trung tâm Điều trị Đau, Bệnh viện FV chia sẻ.
Sau khi trực tiếp thăm khám, bác sĩ Nam Bình hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thêm morphin để hỗ trợ giảm đau hiệu quả. Sau vài ngày, tình trạng đau của ông H giảm hẳn, ông ngủ lại được, tinh thần và tâm trạng của ông H. theo đó cũng cải thiện rõ rệt. Gia đình cũng không còn căng thẳng. Cuộc sống của ông trong những ngày còn lại cũng phần nào nhẹ nhàng, thanh thản hơn.
Điều trị bệnh ung thư kết hợp kiểm soát đau giúp nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân
Hơn 70% bệnh nhân ung thư đau khi bệnh tiến triển, và tỷ lệ này là gần 90% đối với những người đang ở giai đoạn cuối của ung thư. Bác sĩ Nguyễn Nam Bình cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau cho bệnh nhân ung.
Thứ nhất là do bản thân khối u như u xương, nội tạng, mô mềm, chèn ép hoặc thâm nhiễm dây thần kinh, co thắt cơ, loét, tăng áp lực nội sọ...
Thứ hai là do biến chứng của khối u gây các vết loét, nhiễm nấm Candida, phù bạch huyết, huyết khối tĩnh mạch sâu...
Thứ ba, một số xét nghiệm dùng để đánh giá đáp ứng điều trị hoặc chẩn đoán bệnh ung thư cũng có thể khiến người bệnh bị đau như sinh thiết tủy xương, chọc dịch não tủy, sinh thiết khối u…
Thứ tư là do các liệu pháp điều trị như đau thần kinh do hóa trị, viêm niêm mạc do xạ trị, đau sau phẫu thuật...
Thứ năm, đau do bệnh nền như đau thắt ngực, bệnh thần kinh do tiểu đường, viêm khớp...
Theo bác sĩ Bình, rào cản lớn nhất trong điều trị đau cho bệnh nhân ung thư hiện nay là vẫn còn quan niệm đã ung thư thì phải chấp nhận đau ở nhiều bệnh nhân cũng như một số y bác sĩ.
Một số người lo ngại các loại thuốc giảm đau sẽ gây nghiện hoặc ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị ung thư. Kết quả là rất nhiều bệnh nhân chấp nhận sống chung với cơn đau cùng cực, dai dẳng, thậm chí bị những cơn đau hành hạ đến những phút cuối đời.
"Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phủ nhận những quan niệm chưa phù hợp này và đưa ra thang điều trị đau nhiều mức độ từ nhẹ, trung bình, nặng đến đau kháng trị. Tức là, kiểm soát đau cần ở tất cả các giai đoạn của ung thư. Do đó, khi có vấn đề đau, bệnh nhân nên tìm đến bác sĩ để không phải chịu đựng những cơn đau như vậy", nữ bác sĩ khuyến cáo.
Kiểm soát đau hiệu quả ở tất cả giai đoạn ung thư
Bệnh nhân ung thư cần được thực hiện và kiểm soát đau ở tất cả các giai đoạn với các bác sĩ nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại, và phác đồ chuẩn. Theo đó, với mức độ đau nhẹ, bệnh nhân được chỉ định sử dụng các thuốc giảm đau thông thường kết hợp với thuốc kháng viêm và các loại thuốc điều trị phối hợp.
Khi tình trạng đau tiến tới thang từ trung bình đến nặng, bác sĩ sẽ phối hợp thêm các loại thuốc ở tầng cao hơn, nhằm tăng hiệu quả giảm đau. Tuy nhiên, việc chỉ định loại thuốc nào, liều lượng, phương cách sử dụng thuốc ra sao còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, tác dụng phụ của thuốc… ngay cả điều kiện sinh hoạt, kinh tế của bệnh nhân cũng được các bác sĩ cân nhắc.
"Việc sử dụng thuốc trong điều trị đau ung thư cần tính toán rất chi li, kỹ lưỡng trên thể trạng từng bệnh nhân, từng giai đoạn điều trị. Không hẳn điều trị đau do ung thư là phải sử dụng morphin và không phải cứ sử dụng morphin là bệnh tiến triển nặng hoặc gây nghiện. Tại Bệnh viện FV, nhiều bệnh nhân chỉ sử dụng morphin trong một thời gian ngắn. Khi điểm đau của bệnh nhân giảm do đáp ứng với điều trị ung bướu, các bác sĩ khoa Đau sẽ cân nhắc giảm liều, hay chuyển sang dùng các loại thuốc giảm đau nhẹ hơn hay ngưng thuốc", bác sĩ Bình khẳng định.
Cuối cùng là đau kháng trị - những cơn đau mà sử dụng các loại thuốc giảm đau không còn hiệu quả - các bác sĩ sẽ áp dụng các liệu pháp như phong bế thần kinh (gây tê thần kinh ngoại vi) hoặc truyền thuốc giảm đau liên tục dưới da thông qua một thiết bị được thiết kế đặc biệt, cho phép bệnh nhân di chuyển và sinh hoạt thoải mái trong khi một lượng thuốc cố định được bơm liên tục dưới da. Điều này giúp bệnh nhân quên đi cơn đau và không cần canh thời gian uống thuốc nên có thể sinh hoạt gần như bình thường.
Việc kết hợp điều trị ung thư và kiểm soát đau giúp bệnh nhân không phải chịu đựng những cơn đau kéo dài, theo đó có thể ăn uống, ngủ nghỉ để nâng cao thể trạng, tiếp tục các liệu trình điều trị nhằm đạt được hiệu quả mong muốn. Đối với các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thì việc kiểm soát đau tốt còn giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng sống, tận hưởng thời gian còn lại với gia đình nhẹ nhàng hơn.
Trung tâm Điều trị Đau Bệnh viện FV có các bác sĩ giỏi chuyên môn và tận tâm, được dẫn dắt bởi bác sĩ Trưởng khoa - Louis Brasseur với hơn 40 năm kinh nghiệm trong việc ứng dụng các phương pháp tiên tiến trong điều trị, kiểm soát đau cho các bệnh nhân ung thư, bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính, đau không rõ nguyên nhân, đau do trầm cảm... Để đặt hẹn số (028) 54 11 33 33 để được đặt hẹn tư vấn, điều trị.