Kiểm soát các yếu tố nguy cơ và phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ
(Dân trí) - Hưởng ứng ngày đột quỵ thế giới (29/10), chương trình tọa đàm trực tuyến "Đột quỵ có phải trời gọi ai người ấy dạ?" được tổ chức với sự đồng hành của Bayer Việt Nam.
Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao kiến thức cộng đồng về phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ nói chung và do Rung nhĩ nói riêng.
Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất và biến chứng đáng sợ nhất của rung nhĩ là đột quỵ dạng thiếu máu não cục bộ hay còn gọi là nhồi máu não có thể gây ra tử vong nếu không chẩn đoán và xử trí kịp thời. Tỷ lệ đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ cao gấp 5 lần so với ở người không mắc rung nhĩ. Năm 2016, trên thế giới ghi nhận 43,6 triệu người mắc rối loạn nhịp nhĩ trong đó có rung nhĩ. Dự đoán đến năm 2060, số lượng người mắc rung nhĩ tiếp tục gia tăng không ngừng.
Theo một số thống kê cho thấy, đột quỵ do rung nhĩ thường để lại hậu quả nghiêm trọng: 50% số ca tử vong trong vòng một năm và 50% số ca sống sót bị di chứng tàn phế vĩnh viễn. Vì vậy, đối với bệnh nhân rung nhĩ, phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ là cách điều trị tốt nhất.
"Bệnh nhân bị đột quỵ liên quan đến rung nhĩ thì khả năng bị tàn phế, tử vong sẽ tăng gấp đôi so với các nguyên nhân khác. Rung nhĩ là một yếu tố nguy cơ rất nguy hiểm và thường gặp ở các bệnh nhân lớn tuổi. So với các yếu tố nguyên nhân khác, rung nhĩ đa số các trường hợp không có triệu chứng, nếu không kiểm tra sức khỏe thường xuyên thì sẽ không nhận biết được có rung nhĩ để sử dụng những loại thuốc phòng ngừa rung nhĩ phù hợp." PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết.
Cũng theo PGS.TS.BS Thắng, phòng ngừa đột quỵ liên quan đến rung nhĩ đơn giản hơn so với các nguyên nhân khác. Đối với bệnh nhân đột quỵ do rung nhĩ, chỉ cần phòng ngừa rung nhĩ thì đã giảm được 70% nguy cơ đột quỵ tái phát. Phương pháp để phòng ngừa rung nhĩ hữu hiệu là sử dụng thuốc kháng đông, bệnh nhân được chuẩn đoán bị rung nhĩ thì bắt buộc phải tuân thủ sử dụng thuốc kháng đông suốt đời.
Trước đây, khi điều trị rung nhĩ, bệnh nhân sử dụng thuốc kháng đông thế hệ cũ cần phải theo dõi liên tục, định kỳ mỗi tháng phải thử máu để kiểm tra độ loãng máu, thuốc tương tác rất nhiều với thức ăn. Tuy nhiên, hiện nay thuốc kháng đông thế hệ mới có hiệu quả ngang bằng hoặc nổi trội hơn so với thuốc kháng đông cũ, đặc biệt là không có những bất tiện kể trên.
Khi sử dụng thuốc kháng đông cần lưu ý tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đều đặn, đúng liều lượng vào thời điểm cố định trong ngày và không được ngưng sử dụng thuốc đột ngột vì bất cứ lý do gì nếu chưa có ý kiến của bác sĩ.
Ở các bệnh nhân rung nhĩ với nguy cơ đột quỵ trung bình hoặc cao, việc tự ý ngưng đột ngột thuốc kháng đông đường uống có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Quá trình đông máu trong cơ thể vốn đang bị ức chế bởi liệu pháp kháng đông có thể sẽ tăng đông máu nhiều hơn ngay lập tức khi ngưng đột ngột liệu pháp kháng đông. Ngoài ra, khi ngưng đột ngột, tình trạng rối loạn co bóp ở tâm nhĩ của tim dễ dẫn đến hình thành cục máu đông ở buồng nhĩ, cục máu đông này có thể trôi theo dòng máu làm tắc các động mạch ở não gây ra đột quỵ, thuyên tắc các động mạch ngoại biên và có thể dẫn đến tử vong.
Trong trường hợp đã từng xảy ra tai biến hay bị đột quỵ nhẹ, bệnh nhân cần phải đến cơ sở y tế có điều trị đột quỵ tầm soát ngay để ước chừng được nguy cơ và được bác sĩ tư vấn điều trị với mức độ phù hợp.
Để giảm nguy cơ đột quỵ, cần kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện và điều trị các yếu tố nguy cơ, thường xuyên tập thể dục, kiểm soát cân nặng nhằm tránh thừa cân béo phì, kiểm tra đường huyết và huyết áp thường xuyên. Duy trì một lối sống lành mạnh cùng sự tiến bộ của thuốc và công nghệ điều trị hiện đại, bệnh nhân có thể kiểm soát được bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống.