1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khuyến cáo dùng thuốc trị tiêu chảy cấp ở trẻ

Mới đây, tại hội nghị đồng thuận của các chuyên gia nhi khoa đã đưa ra khuyến cáo điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em.

Khi trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ uống oresol theo đúng liều
lượng để phòng mất nước.
Khi trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ uống oresol theo đúng liều lượng để phòng mất nước.

Tiêu chảy cấp (TCC) là một trong những bệnh thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tiêu chảy cấp khá cao, trung bình 1 trẻ/1 năm có thể mắc 2,2 - 4 đợt tiêu chảy. Điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em đã được khuyến cáo trong một hội nghị đồng thuận của các chuyên gia nhi khoa như sau:

Bù nước và điện giải cho bệnh nhân TCC nhưng chưa có biểu hiện mất nước

Pha một gói oresol (ORS) với một lít nước (cần phải có dụng cụ đong đo đúng) cho uống trong ngày.

Nước cháo muối: cho một nắm gạo (50gam) + một nhúm muối (3,5gram) + sáu bát nước đun sôi cho đến khi hạt gạo nở tung ra (15 phút), chắt ra được một lít nước cháo cho uống. Nước cháo đã pha chỉ dùng trong ngày, tốt nhất là 6 giờ.

Cách cho uống:

- Trẻ dưới 2 tuổi cho uống từng thìa, trẻ lớn uống từng ngụm một bằng cốc hoặc bát.

- Trẻ bị nôn dừng lại đợi 5 - 10 phút sau lại tiếp tục cho uống.

Chú ý: Nếu trẻ bị mất nước vừa và nhẹ, cho uống ORS theo cân nặng ngay trong 4 giờ đầu là 75ml x kg (thể trọng). Khi không cân được thì mới cho uống theo tuổi với số lượng: dưới 4 tháng 200 - 400ml, 4 - 11 tháng 400 - 600ml, 12 - 23 tháng 600 - 800ml, 2 - 4 tuổi 800 - 1.200ml, 5 - 14 tuổi 1.200 - 2.200ml, 15 tuổi 2.200 - 4.000ml.

Sau 4 giờ nếu còn dấu hiệu mất nước vừa và nhẹ thì tiếp tục duy trì uống như vậy, nếu nặng hơn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Sử dụng kháng sinh

Kháng sinh được dùng trong các trường hợp: tiêu chảy phân có lẫn máu; hoặc tiêu chảy mất nước nặng nghi ngờ tả; tiêu chảy do Giardia, tiêu chảy kèm các nhiễm khuẩn khác.

Không sử dụng kháng sinh trong tiêu chảy mất nước đơn thuần.

Bổ sung kẽm trong TCC

Bổ sung ngay khi mới bắt đầu tiêu chảy giúp nhanh chóng phục hồi niêm mạc ruột, rút ngắn thời gian bị bệnh và mức độ nặng của bệnh, hạn chế các đợt tiêu chảy mới trong 2 - 3 tháng sau điều trị, cải thiện sự ngon miệng và tăng trưởng của trẻ.

Sử dụng thuốc chống nôn trong điều trị TCC

Có nhiều loại thuốc chống nôn như ramisetrol, domperidon, promethazine, metoclopramide... các thuốc này có tác dụng giảm nôn nhưng làm an thần gây ngủ nên hạn chế việc uống ORS, mặt khác, do tác dụng giảm nôn dẫn đến gia tăng tần xuất đi ngoài, tăng thời gian lưu giữ dịch và các chất độc trong lòng ruột. Vì vậy đến nay chưa đủ bằng chứng để khuyến cáo sử dụng thường quy các thuốc chống nôn này cho trẻ bị tiêu chảy cấp.

Ondansetron là một loại mới có thể khuyến cáo sử dụng cho trẻ bị tiêu chảy cấp có nôn nhiều. Qua kết quả nghiên cứu, ondansetron có tác dụng giảm nguy cơ nôn tái diễn, giảm nhu cầu truyền dịch và nhập viện ở trẻ tiêu chảy cấp nhưng cũng có nhược điểm là kéo dài thêm một chút thời gian tiêu chảy.

Vì thế chỉ khuyến cáo sử dụng với liều đơn đường uống cho trẻ 6 - 12 tháng bị tiêu chảy cấp có nôn trớ nhiều đã thất bại với việc bù nước bằng đường uống và có biểu hiện mất nước từ vừa đến nặng.

Sử dụng diosmectite

Diosmectite có tác dụng làm giảm lượng phân bài xuất, giảm thời gian mắc bệnh tiêu chảy, giảm diễn biến thành tiêu chảy kéo dài, hoặc sử dụng racecadotril cũng có tác dụng giảm lượng phân bài xuất, giảm nguy cơ mất nước mà không ảnh hưởng đến nhu động ruột, không gây táo bón thứ phát và không tác động lên hệ thần kinh trung ương. Hai loại này được khuyến cáo sử dụng trong điều trị tiêu chảy cấp kết hợp với bù nước và điện giải đầy đủ.

Sử dụng probiotic

Hai chủng Lactobacillus rhanmosus GG và S. bonlardii được đánh giá là có tác dụng giảm thời gian mắc tiêu chảy ở trẻ em, làm giảm tần xuất bài xuất phân ở ngày thứ hai và làm giảm nguy cơ tiêu chảy kéo dài trên 4 ngày, giảm thời gian nằm viện.

Tại Việt Nam chưa có Lactobacillus GG vì thế S. bonlardii có thể được sử dụng trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em kết hợp với bù nước và điện giải đầy đủ.

Ngoài sử dụng các thuốc điều trị tiêu chảy cấp cần chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ bị tiêu chảy cấp, cho trẻ ăn lại sớm sau khi hoàn thành quá trình bù nước và điện giải.

Theo BS. Phạm Thị Thục

Sức khỏe và Đời sống