TPHCM:
Khu khám bệnh ung bướu 10 năm vẫn… nằm trên giấy
(Dân trí) - Hết hủy bỏ rồi lại phê duyệt, 10 năm qua số vốn đầu tư đã tăng hơn 3 lần so với dự kiến ban đầu nhưng khu khám bệnh ung bướu vẫn nằm trên giấy. Người bệnh đang phải vật vã chờ khám, điều trị nhưng dự án “cần tiếp tục bàn”.
Quá tải bệnh nhân ung bướu là thực tế đã diễn ra từ lâu tại bệnh viện Ung Bướu (TPHCM). Mặc dù chỉ tiêu là 1.300 giường bệnh nhưng số giường thực kê tại Ung Bướu hiện chỉ có 630 vì thế bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải với gần 1.600 bệnh nhân nội trú và hơn 11.000 bệnh nhân ngoại trú. Muốn được khám chữa bệnh, người bệnh phải xếp hàng bốc số từ khoảng 4 giờ sáng, khu điều trị bệnh nhân phải nằm chen chúc 2-3 người trên một giường bệnh, ngay cả gầm giường cũng “chật như nêm”.
Ngoài việc khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn thành phố, bệnh viện Ung Bướu còn đảm nhận nhiệm vụ khám chữa bệnh cho các bệnh nhân tại khu vực phía Nam. Thống kê cho thấy, số bệnh nhân từ các tỉnh đến điều trị tại bệnh viện chiếm tới 70%. BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Thời gian gần đây, tình trạng quá tải đang trở nên trầm trọng hơn bởi Bảo hiểm Y tế ra quy định mới về việc bác sĩ điều trị cho bệnh nhân ung bướu phải có chứng chỉ điều trị ung thư. Việc đào tạo và cấp chứng chỉ cho bác sĩ không phải một sớm một chiều nên bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến dưới đổ dồn về ung bướu”.
Để giải quyết tình trạng quá tải, cuối năm 2013, bệnh viện Ung Bướu đã xây dựng và đưa vào sử dụng khoa vệ tinh tại bệnh viện quận 2. Sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, BS Lê Hoàng Minh thừa nhận, khoa bệnh vệ tinh hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong đợi. “Trong tổng số 150 giường bệnh, chúng tôi mới chỉ triển khai được 100 giường, thiếu trang thiết bị đang gây khó khăn cho việc triển khai chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại khoa vệ tinh”.
Quá tải không chỉ là nỗi khổ của những người bệnh mà còn tạo áp lực nặng nề lên bác sĩ. Từ năm 2004, bệnh viện Ung Bướu đã trình kế hoạch xây dựng mới khu khám, chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh ung thư. Dự án với quy mô 7 tầng, diện tích sàn gần 7.300m2 do bệnh viện làm chủ đầu tư được UBND thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 76,5 tỷ đồng.
Tưởng như với những áp lực mà chuyên khoa ung bướu gặp phải, dự án sẽ sớm được triển khai dựng. Nhưng, đến tháng 2 năm 2012 sau hàng loạt công văn, thẩm định, đánh giá, phê duyệt… dự án vẫn chỉ là “con số không”. Bệnh viện Ung Bướu đã phải gửi tờ trình xin hủy dự án để thực hiện lại từ đầu vì giá vật liệu tăng vọt, phá vỡ giá thành của tổng mức đầu tư ban đầu. Bên cạnh đó, thời gian kéo dài nên hồ sơ thiết kế, công năng sử dụng và thiết bị đã lạc hậu so với yêu cầu hiện tại.
Hai tháng sau khi bệnh viện Ung Bướu chính thức “đầu hàng dự án rùa”, UBND thành phố quyết định giao cho Sở Y tế làm chủ đầu tư. Kế hoạch tương đối chi tiết khác cho “Khu khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao” tiếp tục được đệ trình. Tổng mức đầu tư cho dự án vọt lên 242 tỷ đồng, tuy nhiên đây mới chỉ là chi phí xây dựng cơ bản chứ chưa có kinh phí đầu tư cho trang thiết bị y tế. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 đến 2015 nhưng đến nay (tháng 5/2014 - PV) kế hoạch cũng đang “nằm trên giấy”.
Trước thực trạng trên, ngày 5/5/2014 Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố đã có buổi làm việc với Sở Y tế cùng các bên liên quan về tiến độ triển khai dự án. Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND, đánh giá đây là một trong những công trình ưu tiên đầu tư của thành phố, nhưng việc triển khai chậm chạp, thiếu thống nhất giữa các sở ngành khiến 10 năm trôi qua dự án vẫn dậm chân tại chỗ. “Yêu cầu các sở ngành liên quan phải phối hợp với nhau để thúc đẩy dự án nhanh hoàn thành”.
Cùng chung sự sốt ruột với ông Hùng, ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế & Ngân sách HĐND thành phố đề nghị các bên liên quan đến dự án phải “tính toán thời gian và công sức của những người bệnh ngồi chầu chực vật vã đến lượt khám chữa bệnh để thấy trách nhiệm của các ban ngành trong việc thực hiện dự án”. Các đại biểu HĐND cũng bày tỏ mối quan ngại về tính “nửa vời” của dự án bởi số tiền 242 tỷ đồng Sở Y tế trình mới chỉ giải quyết được phần vỏ (cơ sở hạ tầng) còn phần ruột (trang thiết bị y tế) với tổng kinh phí dự tính tiêu tốn tới 700 tỷ đồng vẫn chưa được bàn tới.
Vân Sơn