Khu dân cư đổ bệnh vì "nuôi" muỗi sốt xuất huyết

(Dân trí) - Khu dân cư với những công trình xây dựng dang dở, phế liệu, vật chứa nước ngổn ngang trở thành nơi sinh sản lý tưởng cho loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Ý thức quá kém của người dân đang tạo điều kiện thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết gia tăng, bùng phát trên diện rộng.

Ổ lăng quăng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trong khu dân cư

Ngày 18/7, Bộ Y tế đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra thực địa công tác phòng chống sốt xuất huyết trong cộng đồng. Thực tế thị sát tại tổ 27, khu phố 4, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa cho thấy, đây là khu dân cư đang trong giai đoạn phát triển, nhiều công trình xây dựng dang dở, những bãi cỏ dại mọc um tùm.

Khu dân cư đổ bệnh vì nuôi muỗi sốt xuất huyết - 1

Phế liệu ngổn ngang chứa nước mưa là môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sản, phát triển

Kiểm tra tại một hộ gia đình thu mua phế liệu ghi nhận, những chiếc thùng phuy đã cắt nắp nhưng không được lật úp, rất nhiều thùng xốp chứa nước bày ngổn ngang. Trong một chiếc tủ tôn đã cũ nát dựng ngoài trời, hộc tủ đọng lại chưa tới 1 lít nước nhưng cả trăm con lăng quăng đang bơi lội tung tăng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều hộ gia đình khác khi đổ các vật chứa nước như vỏ lon bia, chậu nhựa cũ, lốp xe… đều phát hiện có lăng quăng trong nước.

Khi được hỏi về lý do không chú trọng đến việc vệ sinh môi trường phòng chống dịch sốt xuất huyết chị Nguyễn Thị Ph. một người dân sống tại khu phố cho hay: “Chúng tôi bận quá nên cũng không có thời gian để ý đến việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Ở đây nhiều bãi đất trống, cỏ mọc um tùm làm sao mà dọn dẹp hết được”. Khi đề cập đến sự nguy hiểm từ những ổ lăng quăng truyền bệnh sốt xuất huyết những hiểu biết về bệnh của chị Ph. rất mơ hồ: “Chúng tôi dùng nước máy chứ không dùng nước mưa nên không sợ ăn phải lăng quăng đâu”.  

Khu dân cư đổ bệnh vì nuôi muỗi sốt xuất huyết - 2

Những công trình xây dựng dang dở trở thành bãi đáp của muỗi sốt xuất huyết

Trước tình hình trên, bà Dương Kim Trúc, Phó chủ tịch UBND phường Trảng Dài cho biết, mặc dù phường đã chủ động tuyên truyền phòng chống dịch sốt xuất huyết từ thời điểm bệnh còn ở mức thấp nhưng ít nhận được sự hưởng ứng của người dân. Trên địa bàn phường gần đây ghi nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết. Thời gian qua việc xử lý đối với những hộ gia đình, cơ sở kinh doanh phế liệu, các công trình xây dựng mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở nên tính răn đe chưa cao, sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt hành chính đối với những cá nhân, tổ chức để tồn tại các ổ lăng quăng trong khu vực họ quản lý, sử dụng.

Khu dân cư đổ bệnh vì nuôi muỗi sốt xuất huyết - 3

Cán bộ y tế kiểm tra, phát hiện ổ lăng quăng tại phường Trảng Dài

BS-CKII Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, với đặc thù của một tỉnh công nghiệp, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai tập trung đông dân, lực lượng lao động đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau chủ yếu sinh sống tại các nhà trọ. Đời sống công nhân còn nhiều thiếu thốn, thời gian lao động ở công ty là chính nên ít có cơ hội tiếp cận các thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh. Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay tỉnh đã chi 10 tỷ đồng thực hiện các chiến dịch truyền thông, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi…

Khu dân cư đổ bệnh vì nuôi muỗi sốt xuất huyết - 4

Một hộ gia đình bỏ chai, vỏ lon bia trong khuôn viên sân được cán bộ y tế hướng dẫn, nhắc nhở dọn dẹp để tránh làm nơi sinh sản cho muỗi

Ngành y tế tỉnh Đồng Nai đã chủ động thực hiện các phương án tiếp nhận, chẩn đoán can thiệp sớm cho những trường hợp có biểu hiện nghi sốt xuất huyết nhờ đó chưa để xảy ra trường hợp tử vong. Tuy nhiên, BS Cao Hải thẳng thắn nhận định công tác phòng bệnh trên địa bàn đang đối mặt với nhiều khó khăn, dự báo thời gian từ nay đến tháng 10 thời tiết mưa nhiều kết hợp với sốt xuất huyết gia tăng theo tính chu kỳ, dịch bệnh sẽ diễn biến khó lường.

Khu dân cư đổ bệnh vì nuôi muỗi sốt xuất huyết - 5

Ngành y tế địa phương đang nỗ lực triển khai các phương án phòng bệnh

TS.BS Nguyễn Đức Khoa, Cục Y tế Dự phòng cho hay: Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, sốt xuất huyết đã tăng gấp 3,2 lần, hơn 1 tháng qua sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở 34 tỉnh từ Miền Trung, Tây Nguyên đến các tỉnh thành Nam Bộ. TS Đức Khoa cho rằng, ngoài những vấn đề đô thị hóa, di dân, ô nhiễm môi trường, sự nóng lên toàn cầu xen lẫn các đợt mưa là môi trường rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và lăng quăng phát triển.

Những giải pháp cần thực hiện để hạn chế nguy hiểm của sốt xuất huyết

Theo phân tích của TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện Trưởng Viện Pasteur, TPHCM: “Ngoài những yếu tố khách quan thì ý thức của cộng đồng trong công tác phòng chống sốt xuất huyết giữ vai trò rất quan trọng. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường sinh sản trong môi trường nước sạch, chỉ cần lật úp các vật chứa không sử dụng đến sẽ hạn chế tối đa môi trường sinh sản, phát triển của muỗi. Việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi cần sự đồng hành của cả cộng đồng, sự giám sát, tuyên truyền từ các cơ quan ban ngành và phải tiến hành thường xuyên, liên tục bởi Việt Nam là xứ nhiệt đới, muỗi sốt xuất huyết lưu hành quanh năm. Ngoài ra cần chủ động phát hiện ca bệnh để khoanh vùng dập dịch và thực hiện các giải pháp điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho bệnh nhân”.

Vân Sơn