Không tiêm nhắc lại, nguy cơ mắc bạch hầu cao

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh bạch hầu ủ bệnh âm thầm, gây tử vong cao chỉ sau 6-10 ngày khởi phát triệu chứng, tiêm vaccine đủ mũi, đặc biệt mũi nhắc là biện pháp đơn giản, hiệu quả để phòng bệnh.

Trong năm 2020, dịch bạch hầu xảy ra ở Tây Nguyên với số ca mắc gần 200, trong đó có 4 ca tử vong. Khoảng 50% ca không có triệu chứng hay còn gọi "người lành mang trùng", chứng tỏ mầm bệnh âm thầm lưu hành trong cộng đồng.

Những năm gần đây, một số tỉnh, thành xuất hiện rải rác ca bạch hầu, nhất là ở người chưa được tiêm nhắc hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Mới đây, tỉnh Hà Giang có hơn 30 ca nghi mắc bạch hầu, trong đó có 2 ca tử vong. Tháng 5, tỉnh Điện Biên ghi nhận một bé gái tử vong do bệnh này.

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Đây là một trong những căn nguyên gây tử vong hàng đầu trong thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20.

Bệnh có thời gian ủ bệnh khoảng 2-5 ngày, trong thời gian này người bệnh không có biểu hiện. Bệnh dễ lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bệnh.

Với các triệu chứng ban đầu như viêm thanh quản, nổi hạch dưới hàm, đau họng,... bệnh có thể diễn tiến thành viêm phổi, viêm dây thần kinh, suy tim, viêm kết mạc,... gây tử vong sau 6-10 ngày. Bệnh có thể gây tử vong khoảng 5-10% và lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn trên 40 tuổi.

Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vaccine, bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt ở các địa phương có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Sau khi có vaccine, tỷ lệ mắc bệnh giảm xuống dưới 0,01/100.000 dân.

"Khi chưa có chương trình tiêm chủng mở rộng, chưa tiêm vaccine, tỷ lệ nhiễm bệnh bạch hầu rất cao. Tại các khoa truyền nhiễm, hầu như thời điểm nào cũng có bệnh nhân. Sau khi đưa vào tiêm chủng vaccine, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp. Vài năm trở lại đây, tại Tây Nguyên, một số tỉnh miền núi phía Bắc có ca bệnh trở lại. Hầu hết các địa phương này thuộc vùng sâu vùng xa, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh giảm hoặc gián đoạn dẫn đến số ca bệnh tăng", bác sĩ Chính cho biết.

Không tiêm nhắc lại, nguy cơ mắc bạch hầu cao - 1
Đoàn công tác Bộ Y tế thăm bệnh nhân đang cách ly, điều trị bạch hầu tại Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, Điện Biên (Ảnh: CDC Điện Biên).

Đầu tháng 9 đến nay, ở 130 Trung tâm tại Hệ thống tiêm chủng VNVC trên toàn quốc, tỷ lệ người dân đến tiêm vaccine bạch hầu tăng 300% so với các tháng trước. Người dân chủ yếu đến tiêm vaccine mới và tiêm nhắc lại.

Chị Xinh Na (35 tuổi, Thái Nguyên) kiểm tra sổ tiêm chủng, phát hiện 2 con (15 tuổi và 11 tuổi) đều thiếu mũi tiêm nhắc. Địa phương đã có người mắc và nghi mắc bạch hầu, người thân khuyên chị cần cho con tiêm vaccine đầy đủ nên chị đưa con đến VNVC Phổ Yên để tiêm ngừa, yên tâm khi đến trường.

Anh Văn Dũ (40 tuổi, Hà Giang) đưa con gái 11 tuổi đi tiêm vaccine Boostrix phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván. Anh Dũ cho biết: "Do sổ tiêm chủng của con thất lạc, lúc nhỏ con ở cùng ông bà lớn tuổi nên không nhớ rõ mũi tiêm. Tôi đưa con đến VNVC thì được tư vấn tiêm 3 mũi, sau đó cứ tiêm nhắc 1 mũi mỗi 10 năm để đủ miễn dịch".

Theo bác sĩ Chính, nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ trong 2 năm đầu đời nhờ chương trình Tiêm chủng mở rộng. Sau đó, trẻ không được tiêm nhắc khi lớn hơn, tạo khoảng trống miễn dịch. Khả năng bảo vệ từ vaccine bạch hầu không tồn tại bền vững mà giảm dần.

Không tiêm nhắc lại, nguy cơ mắc bạch hầu cao - 2
Người dân tiêm vaccine phòng bệnh tại VNVC (Ảnh: Mộc Thảo).

Tiêm chủng vaccine là cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất, tỷ lệ bảo vệ trên 97%. Cơ thể cần 2- 3 tuần sau khi tiêm đủ liều để sản sinh miễn dịch với bệnh.

Sau khi hoàn tất lịch tiêm chủng cơ bản và tiêm nhắc cho trẻ dưới 2 tuổi (vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng tuổi), người dân cần tiêm nhắc (tiêm bổ sung) thêm một mũi theo nhiều cột mốc khác nhau như: từ 4 đến 7 tuổi; từ 9 đến 15 tuổi; phụ nữ trước hoặc đang mang thai; người già từ 50 tuổi trở lên; người lớn có bệnh mạn tính ở phổi, tim mạch, thận… Thai phụ cần tiêm vaccine bạch hầu trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, giúp bảo vệ em bé khi ra đời.

"Hiện tại, trẻ đã trở lại trường học. Đây là môi trường dễ lây lan bệnh tật, ba mẹ nên dẫn trẻ đi tiêm nhắc phòng các bệnh như: bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm não Nhật Bản, cúm, viêm màng não do não mô cầu…", bác sĩ Chính lưu ý.

Hệ thống tiêm chủng VNVC hiện có đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh bạch hầu: 6 trong 1 Hexaxim/Infanrix Hexa phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib; 5 trong 1 Pentaxim phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib; Tetraxim phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt; Boostrix/Adacel phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván; Td phòng bạch hầu hấp phụ, uốn ván. Tất cả vaccine được bảo quản ở hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP, đảm bảo quy trình tiêm chủng an toàn, chất lượng với giá bình ổn, nhiều ưu đãi.