Bác sĩ - Chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Lân Đính:

"Không thể chấp nhận việc sữa bột trẻ em có chì”

Thông tin một loại sữa Hàn Quốc đang lưu thông tại Việt Nam bị phát hiện có chứa hàm lượng chì lên tới 0,107mg/kg, cao gấp 5,35 lần so với tiêu chuẩn đăng kí gây lo lắng cho nhiều phụ huynh. Bác sĩ Nguyễn Lân Đính, chuyên gia dinh dưỡng trao đổi chung quanh vấn đề này.

Bác sĩ có vẻ rất ngạc nhiên khi nghe thông tin về một nhãn sữa của Hàn Quốc bị phát hiện có chứa hàm lượng chì cao tới 0,107 mg/kg, gấp 5,35 lần so với tiêu chuẩn do cơ sở công bố tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Tôi quá ngạc nhiên. Tôi có biết nhãn sữa này trước đây nói như nhà sản xuất là "sữa sạch nhất", vậy mà nay...

 

Theo tôi, không thể chấp nhận trong sữa có chì. Và được biết, không thể tự nhiên trong sữa xuất hiện chì, nhất định phải có nguyên nhân. Trong trường hợp này, có thể nhiễm chì từ những gỉ, sét ở lon (thực tế phát hiện có nhiều lon bị gỉ, sét).

 

Theo bác sĩ, ngộ độc chì có những biểu hiện gì?

 

Theo từ điển bách khoa Quick 2000 - nhà xuất bản Robert Laffont - Pháp thì ngộ độc chì sẽ có một trong những dấu hiệu như sau:

 

- Giữa nướu răng và răng có đường viền màu xanh (do chì thải ra bằng đường nước miếng, nước miếng có độc); trong chân răng có mủ; đau bụng: sẽ có từng cơn đau, có thể xuất hiện nôn mửa và táo bón (không phải là tiêu chảy).

 

 - Động kinh, rối loạn tâm thần, đôi khi bị mê sảng.

 

 - Dấu hiệu cao huyết áp.

 

- Suy thận.

 

Ngộ độc chì có xảy ra tức thì hay không? Trong trường hợp này, hàm lượng chì đã được phát hiện trong lô sữa nói trên có thể khiến trẻ ngộ độc không? Và làm sao biết được trẻ bị nhiễm độc chì, thưa bác sĩ?

 

Ngộ độc chì là một quá trình tích trữ lâu dài chứ không phải xảy ra ngay lập tức. Còn để phát hiện ra ngộ độc chì, dĩ nhiên là phải thử máu.

 

Theo quy định, nồng độ chì trong máu phải trên 100 μg/lít máu mới cho là nhiễm độc chì, nếu nặng lắm thì cũng chỉ trên 450 μg/lít máu.

 

Vậy cơ thể người có thể chịu đựng được nồng độ chì là bao nhiêu?

 

Cơ thể chúng ta có thể chịu đựng được khoảng 1 μg/kg thể trọng mà không dẫn đến ngộ độc chì.

 

Theo như bác sĩ trình bày về những triệu chứng của ngộ độc chì kể trên thì mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, có trầm trọng lắm không?

 

Nếu trẻ uống nhầm sữa có chứa hàm lượng chì cao dẫn đến nhiễm độc thì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, chẳng hạn:

 

- Ảnh hưởng về mặt huyết học: gây thiếu máu...

 

- Ảnh hưởng lên hệ thần kinh, gây tổn thương hệ thần kinh.

 

- Ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa.

 

 Theo bác sĩ, những đối tượng nào dễ bị nhiễm độc chì?

 

Những đối tượng dễ bị nhiễm chì là những công nhân làm ở môi trường có chì như: Xưởng in, nhà máy sản xuất bình ắc quy hoặc những người hành nghề đổ xăng (ở các cây xăng, nếu xăng có chì)... Và chúng ta cũng có thể nhiễm chì qua đường uống (nếu nước có nhiễm chì vì đường ống gỉ, sét...).

 

Qua đây, tôi cũng khuyên mọi người nên bỏ thói quen gói thực phẩm bằng giấy báo (vì trong mực in báo có chì).

 

Với góc độ là một chuyên gia về dinh dưỡng, bác sĩ có lời khuyên gì dành cho người dân để dùng sữa an toàn nhất, đặc biệt là trong khi thị trường sữa bị quá nhiều chủng loại như hiện nay?

 

Theo tôi, người tiêu dùng khôn ngoan thì phải biết tự bảo vệ mình bởi song hành với việc mở rộng thị trường sữa là những nguy cơ kèm theo nó. Do đó, khi lựa chọn sữa ngoài việc chọn các nhãn hiệu lớn, có uy tín, có nguồn gốc cũng nên chú ý đến nhà phân phối, bao bì, vỏ lon đựng sữa phải còn nguyên vẹn, niêm yết kỹ càng.

 

Xin cảm ơn bác sĩ!

 

Theo Sức khoẻ và Đời sống