Không phải "trinh nữ hoàng cung" nào cũng chữa được bệnh

Hoa mắt khi mua thực phẩm chức năng sản xuất từ trinh nữ hoàng cung (TNHC), chúng tôi còn chóng mặt hơn khi ghé thăm một số cửa hàng bán lá cây trinh nữ hoàng cung phơi khô.

Loại nào cũng có

 

Khu bán nhiều nhất phải kể đến phố thuốc Bắc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TPHCM. Trong vai một bệnh nhân đi mua lá TNHC về uống chữa bệnh u xơ tử cung, tôi được một chị chủ cửa hàng đon đả mời chào với một bọc lá khô trên tay to đùng, “Đây là 500g, giá bán là 45.000đ, em yên tâm ở đây khách mua nhiều lắm, mỗi ngày chị bán cả mấy chục cân ấy chứ”.

 

Thấy tôi chần chừ, chị chủ bồi thêm: đây là loại 1, nếu em muốn lấy loại 2 thì giá rẻ hơn, 25.000đ được nửa kilogam. Tôi thắc mắc sao thuốc mà cũng có loại 1, loại 2, thì chị nói loại 2 nguyên liệu không chất lượng, có thể pha tạp hoặc lá không đẹp.

 

Trên bọc thuốc chỉ có một tờ giấy ghi công dụng, trinh nữ hoàng cung có thể trị được bách bệnh.

 

Sang một cửa hàng khác, tôi cũng được mời chào với giá tương tự, thấy cũng có một số người hỏi mua. Điều đặc biệt tôi thấy là hầu như những bọc lá khô này không ghi xuất xứ nơi sản xuất, không chỉ định liều dùng. Chỉ là một bọc lá khô, ai dám chắc đó là lá TNHC.

 

Đến một cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ, quận 1, tôi được chị chủ cửa hàng hướng dẫn dù chưa biết tôi mua TNHC để chữa bệnh gì: “Em uống trong vòng 7 ngày, rồi 7 ngày dừng. Khi sắc thì cho một nhúm lá vào nước sắc khoảng 15 phút là dùng được và uống thay nước. Uống cái này phải lâu dài mới được, vì vậy nếu gần thì có thể mua 1kg, còn ở xa thì nên lấy khoảng 4-5kg”.

 

Lá TNHC bán tại đây cũng không có nguồn gốc xuất xứ, trên bọc thuốc chỉ có một tờ giấy ghi công dụng. Đặc biệt tờ giấy này ghi TNHC có thể trị được bách bệnh: “Chủ trị: Hành huyết, tán ứ, tiêu thũng, tiêu viêm, tiêu độc, u xơ tử cung, buồng trứng, u vú, khí hư bạch đới, u xơ tiền liệt tuyến, bướu cổ, viêm họng hạt, ung bướu nội tạng, ngoài ra cả ung thư được phát hiện sớm”.

 

Dùng lá tươi "chắc ăn"hơn?

 

Không phải "trinh nữ hoàng cung" nào cũng chữa được bệnh - 1

Chỉ cần trái vụ hoặc không đúng quy trình, TNHC không còn là nguồn dược liệu sạch, các hoạt chất sinh học cần thiết để trị bệnh sẽ biến mất

Từ những năm 1989 - 1990 người dân đồn nhau tìm lá cây TNHC tươi để chữa những trường hợp u xơ, ung thư tử cung đối với phụ nữ, u xơ và ung thư tiền liệt tuyến đối với nam giới. Và hiện nay nhiều người cũng đang chữa bệnh theo kiểu truyền miệng.

 

Việc sử dụng cây lá thì "vô định lượng". Có bạn trẻ hỏi: Mẹ em năm nay 43 tuổi, bị u xơ tử cung và đã phẫu thuật bóc nhân xơ cách đây 3 năm, nhưng hiện giờ lại bị lại lần nữa. Em có nghe mọi người nói uống nước lá TNHC nấu chín hàng ngày sẽ giúp làm khối u bị teo nhỏ lại, có khi hết luôn, em băn khoăn quá!

 

Một bạn khác thắc mắc, mình cũng mới phát hiện bị u xơ vú, chưa dám mổ nên đi cắt thuốc uống: Tam thất củ - xay nhỏ mịn, uống sống với nước lọc. TNHC khô (nếu có điều kiện tốt nhất là cây tươi) sắc uống hàng ngày thay nước. Mới uống được 2 ngày nên chưa biết thế nào, nhưng thấy buồn ngủ nhiều hơn!.

 

Do tác dụng trị bệnh của cây TNHC đối với bệnh u xơ tuyến tiền liệt (phì đại tuyến tiền liệt lành tính) và u xơ tử cung nhiều người đã tự trồng TNHC trong chậu cảnh, vừa dùng làm cảnh và làm thuốc.

 

“Nhân dân thường truyền kinh nghiệm cho nhau, lấy lá tươi của cây TNHC đun uống thay nước để phòng ngừa bệnh ung bướu, việc làm này rất nguy hiểm vì những cây giống này chưa được xác định có đúng là cây TNHC hay không, hơn nữa các cây TNHC trồng trong chậu cảnh không có hàm lượng hoạt chất chữa trị bệnh ung bướu”, TS.DS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Cty TNHH Thiên Dược cho biết.

 

Trồng TNHC không dễ, bởi không giống như các loại "rau sạch" hay cây ăn quả khác, việc sản xuất TNHC bắt buộc phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt từ sản xuất cho đến thu hoạch, chế biến, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học. Chỉ cần trái vụ hoặc không đúng quy trình, TNHC không còn là nguồn dược liệu sạch, các hoạt chất sinh học cần thiết để trị bệnh sẽ biến mất.

 

Các nhà sinh học cho biết, cây TNHC chỉ có thể nhân giống tự nhiên, còn nhân giống bằng phương pháp cấy mô sẽ cho ra một thứ cây với thành phần hoạt chất sinh học khác hẳn. Do đó, trang trại trồng cây TNHC luôn đòi hỏi sự thuần chủng, tuyệt đối không được lai tạo vì khi đó những cây này không có tác dụng điều trị bệnh giống cây TNHC.

 

Theo TS.DS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm, mua lá cây khô TNHC phải có xuất xứ rõ ràng, nếu không chắc chắn người sử dụng sẽ tiền mất tật mang và tự chuốc lấy cho mình những hậu quả đáng tiếc.

 

Bởi vì Việt Nam có nhiều cây náng khác giống cây TNHC như cây huệ biển và cây náng hoa trắng... Lá khô của cây TNHC, cây huệ biển và cây náng hoa trắng hoàn toàn giống nhau về mùi vị (mùi giống như mùi thuốc lá), màu vàng nhạt, kích thước chiều dài và bề rộng của lá...

 

Cây náng trắng, cây huệ biển độc với gan, thận và các chức năng khác của cơ thể.

 

Theo Đông Hường

Bee.net