Không nên “quản lý” kỳ kinh nguyệt

Để tránh những ngày hành kinh phiền toái, một số phụ nữ đã dùng thuốc tránh thai liên tục. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Chị Kim Dung (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đây, dịp "đến tháng" luôn là một cực hình đối với chị: Đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, ra "như suối"... Từ ngày lập gia đình, được khuyên dùng thuốc tránh thai liên tục, chị thấy nhẹ cả người. Lúc muốn, chị chỉ cần ngừng uống thuốc một tuần lễ, chu kỳ trở lại bình thường và không gây đau đớn gì. Vì vậy, mỗi dịp phải đi công tác đúng vào "ngày ấy", chị chỉ việc uống thuốc là ổn.

 

Chị Thảo Liên (Tây Hồ, Hà Nội) cũng mãn nguyện sau khi sử dụng thuốc tránh thai dạng tiêm. Kể từ đó chị không còn phải bận tâm tới ngày của tháng. Mỗi năm, chị chỉ hành kinh 1-2 lần.

 

Chị em còn gọi biện pháp này là "quản lý kinh nguyệt". Họ có thể chủ động quyết định chu kỳ của mình theo mong muốn. Thậm chí, nhiều người còn muốn cắt hẳn chu kỳ để xoá hẳn cảm giác lo lắng, mất tự tin trong những ngày "không sạch sẽ".

 

Theo bác sĩ Ngô Văn Phú, Bệnh viện Thể dục Thể thao, nơi thường phải tác động thay đổi chu kỳ của vận động viên nữ khi thi đấu, chu kỳ tháng phản ánh khá trung thực sức khoẻ của chị em và cần có tính ổn định. Việc phá chu kỳ bình thường có thể phát sinh một số bệnh về nội tiết và tâm lý.

 

Để trì hoãn ngày hành kinh, cần dùng thuốc chứa hoóc môn. Việc lạm dụng thuốc này sẽ gây hại cho cơ thể. Bởi hoóc môn tổng hợp đưa từ bên ngoài vào sẽ tạo ra lượng dư thừa và gây cơ chế điều hoà ngược: Cơ thể sẽ phải giảm sản xuất hoóc môn để cân bằng.

 

Lâu ngày, chức năng sản xuất hoóc môn của cơ thể sẽ giảm, khiến con người phụ thuộc vào hoóc môn ngoại lai. Điều này dẫn đến rối loạn về cấu trúc sinh lý, gây một số bệnh liên quan đến nội tiết như u xơ tử cung, rối loạn phát triển của niêm mạc tử cung (u cổ tử cung, buồng trứng, bài tiết sữa), của tuyến yên... Những bệnh này có thể dẫn tới vô sinh. Nếu kéo dài, người phụ nữ sẽ bị rối loạn về giới tính và những thay đổi khác.

 

Ông Phú cho biết, ngay cả với các vận động viên chuyên nghiệp, bác sĩ cũng phải nghiên cứu chế độ dinh dưỡng, tập luyện... cho phù hợp với chu kỳ và tạo một chu kỳ ổn định. Chỉ khi thi đấu ở những giải quan trọng, mục tiêu thành tích đặt lên hàng đầu, người ta mới chấp nhận sự can thiệp vào chu kỳ trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy, phụ nữ bình thường không nên lạm dụng việc "quản lý” kinh nguyệt.

 

Còn theo bác sĩ Đào Xuân Dũng, hiện các bác sĩ sản khoa chưa thống nhất ý kiến về việc có nên đình chỉ chu kỳ hằng tháng của chị em hay không. Nếu phụ nữ muốn sử dụng thuốc tránh thai để thay đổi kinh nguyệt, cần biết mình có đủ tiêu chuẩn sức khoẻ không (không có các bệnh nghẽn tĩnh mạch, bệnh mạch mãu não hay mạch vành, van tim, cao huyết áp trung bình trở lên, nghi ngờ ung thư vú, bệnh gan, tiểu đường).

 

Theo Khoa học & Đời sống