TPHCM:

Không nên lo ngại khi bị bọ xít hút máu tấn công

(Dân trí) - Loài bọ xít phát hiện tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã xuất hiện tại TPHCM. Nhiều nggười dân tỏ ra hoang mang nhưng theo nhận định của BS Nguyễn Đắc Thọ: "Đây chỉ là một loài côn trùng bình thường".

Không nên lo ngại khi bị bọ xít hút máu tấn công - 1

Con bọ xít hút máu người được phát hiện tại phường 3, quận Bình Thạnh

Dư luận trên cả nước thời gian gần đây đang xôn xao trước tin đồn bọ xít hút máu người có khả năng truyền những loại bệnh nguy hiểm. Thông tin nói trên, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân. Các bậc phụ huynh bối rối vì không biết làm cách nào để tránh cho trẻ nhỏ thoát khỏi mối lo ngại bị loại bọ xít “nguy hiểm” này tấn công.

Mối lo đó cũng đang hiện hữu tại TPHCM, số lượng bọ xít hút máu người xuất hiện ngày một nhiều. Chưa đầy nửa tháng qua nhưng nhiều người bị loài côn trùng này tấn công. “Ngày 1/7 khi đang ngủ trưa tôi có cảm giác bị nhức ở cánh tay trái, lúc tỉnh dậy tại chỗ nhức xuất hiện vết bầm có dấu hiệu sưng tấy và ngứa.

Đến đầu giờ chiều, khi lau dọn nhà vợ tôi phát hiện 2 con bọ xít có hình dạng như những con bọ xít đã xuất hiện tại các tỉnh miền Bắc như báo đã đăng. Tuy nhiên tôi không có cảm giác buồn ngủ hay các dấu hiệu khác, vết sưng tấy cũng nhanh chóng biến mất sau đó 2 ngày”, Anh Lê Thanh Sơn, ngụ tại đường Vườn Chuối, phường 4, quận 3 cho biết.
Không nên lo ngại khi bị bọ xít hút máu tấn công - 2

Con bọ xít do một bạn đọc mang đến văn phòng phía Nam báo Dân trí điện tử
Ngày 5/7 một bạn đọc ngụ tại phường 3, quận Bình Thạnh mang đến Văn phòng báo Dân trí tại TPHCM một con bọ xít do cậu con trai lên 2 tuổi của chị có biệt danh Mickey bắt được tại nhà. Chị cho biết, trước đó một thành viên trong gia đình có dấu hiệu sưng đỏ, ngứa ở lưng nhưng không rõ nguyên nhân. Sau khi bị cậu bé phát hiện thì con bọ xít là nghi can số 1 của vết sưng tấy trên.

Trước vấn đề này, PV Dân trí đã mang con bọ xít do bạn đọc cung cấp, đến Trung tâm Y tế dự phòng thành phố để nhờ sự tư vấn. Tại đây BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc trung tâm cho biết: “Đây là một loài bọ xít xuất hiện khá phổ biến theo mùa, chúng thường có mặt ở những vườn hoa, cây cảnh hoặc trên các tán cây. Đặc điểm riêng của loài bọ xít này là khả năng hút máu động vật, vì thế con người cũng là đối tượng bị tấn công nếu chúng không tìm được các loài động vật khác. Bản thân tôi cũng đã bị chúng đốt nhiều lần nhưng không thấy có hiện tượng nào bất thường ngoài những vết sưng tấy và ngứa, nhưng cảm giác đó cũng nhanh chóng qua đi”.

Cũng theo BS Thọ: “Loài bọ xít này thường đi thành từng cặp, chúng bay vào ẩn náu trong nhà, đến khi có cơ hội thuận lợi sẽ xuất hiện và tấn công con người. Tôi cũng đã tìm hiểu khá nhiều nhưng chưa thấy Y văn thế giới ghi nhận và xếp loài này vào nhóm côn trùng có khả năng lây bệnh như bọ cạp, nhện”.

BS Thọ khuyến cáo, người dân không nên hoang mang trước sự xuất hiện của loài bọ xít này. Trong trường hợp bị chúng đốt các triệu chứng như sưng, đỏ, ngứa, rát, nóng… sẽ xảy ra. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào phải nhập viện hay nguy kịch vì bị loài bọ xít này đốt. Hãy xem đó như là chuyện bình thường khi bị côn trùng tấn công”.
 
Liên quan đến vấn đề này viện sốt rét - ký sinh trùng – côn trung trung ương cũng đã có nghiên cứu cho thấy, loài bọ xít hút máu người đã xuất hiện ở nước ta từ lâu chứ không phải năm nay mới xuất hiện lần đầu. Chúng chỉ gây cảm giác khó chịu và phiền toái cho người trong thời gian ngắn chứ không gây bệnh.

Nghiên cứu cũng khẳng định loài bọ xít hút máu ở nước ta được xác định là loài Triatoma rubrofassiata. Nó không giống với loài bọ xít có thể gây truyền bệnh buồn ngủ ở khu vực châu Mỹ là Triatoma dimidiate và loài Triatoma infestans.

Vân Sơn.