Không nên gối cao
Chúng ta thường nghe nói: "Gối cao vô lo nghĩ" nhưng có đúng không khi độ cao thấp của chiếc gối có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dùng?
Phần xương cổ được gọi là xương sống cổ gồm nhiều đốt sống cổ ghép lại với nhau tạo thành. Phía ngoài được bao bọc bởi các sợi cơ, mạch máu, dây thần kinh và da...
Khi dùng tia X quang chụp phần cổ sẽ thấy cổ không phải là thẳng tắp mà là uốn khúc. Khi nằm thẳng, xương sống cổ có hình chữ “U”. 2 đầu của chữ U là phần giao tiếp với xương sống ngực, phía trên nối với xương sọ. Nếu dùng gối cao kê dưới đầu sẽ làm thay đổi phần cong đường cổ và kéo căng cơ bắp phía sau cổ.
Dùng gối cao để nằm ngủ, thực tế có nghĩa là phải cúi đầu liên tục để ngủ qua một đêm. Nếu lấy một ngày ngủ 8 tiếng để tính thì 1/3 thời gian của đời người sẽ sống trong tư thế cúi đầu.
Đây quả là điều dễ sợ! Bởi vì tư thế đó không chỉ làm cho phần cổ bị mỏi mệt mà máu đưa lên nuôi não cũng không được lưu thông. Một khi máu cung cấp cho não bị giảm sẽ ảnh hưởng tới trao đổi chất của não và sự phục hồi các chức năng sinh lý, gây mất cân bằng chức năng thần kinh, khó ngủ và có những cơn ác mộng...
Gối cao lâu ngày càng làm tăng thêm sự mài mòn trước phần xương sống cổ, gây mệt mỏi và thoái hoá các đệm sụn đốt sống, ảnh hưởng tới hoạt động phần cổ, làm gia tăng một số bệnh phần cổ.
Đối với người đã mắc bệnh xương sống cổ, gối cao càng thêm co hẹp khe hở giữa các đốt sống cổ, làm tăng thêm sự chèn ép đối với mạch máu và dây thần kinh, từ đó tăng thêm các chứng bệnh do cung cấp máu nuôi não không đủ gây ra như nhức đầu, chóng mặt, tay chân tê dại...
Qua phân tích trên chúng ta thấy rằng, gối cao càng thêm lo nghĩ nhiều. Xét về góc độ sức khỏe, chúng ta nên chọn dùng một chiếc gối hơi thấp một chút, để nó tiếp xúc đều với bề mặt của đầu, cổ vai và chịu lực đều nhau.
Theo Trần Văn
Gia đình