Không nên cho tư nhân tham gia vào trung tâm huyết học

(Dân trí) - Nếu cho phép tư nhân tham gia vào hoạt động của các trung tâm huyết học sẽ phải chấp nhận cơ chế thị trường nên không tránh khỏi hoạt động mua bán, kinh doanh máu.

Tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, nhiều ý kiến cho rằng nên để các đơn vị tư nhân tham gia vào các trung tâm huyết học để giải quyết tình trạng thiếu máu. Hiện nay, công tác vận động hiến máu, tiếp nhận máu phần lớn được thực hiện bởi Hội Chữ thập đỏ. Tuy nhiên, trên thực tế Hội không tự cân đối được nguồn cung và cầu nên có những thời điểm nguồn máu phục vụ cho điều trị bị đứt đoạn.


Để giải quyết tình trạng trên BS Hồng Đào, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho rằng: Nếu các cơ sở tư nhân có đủ điều kiện, muốn điều chế tham gia vào hoạt động máu thì nên cấp phép cho họ tham gia nhưng cần phải có cơ chế quản lý để cơ sở thực hiện nghiêm các quy định có liên quan. Không nên thực hiện theo kiểu quản không được thì cấm mà cần xem các cơ sở tư nhân như một nguồn cung cấp máu phục vụ công tác khám chữa bệnh.


Máu và chế phẩm từ máu là nhu cầu bức thiết trong cứu chữa người bệnh
Máu và chế phẩm từ máu là nhu cầu bức thiết trong cứu chữa người bệnh


Trước vấn đề trên, ông Đỗ Trung Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, cho biết: “Vấn đề này, Bộ Y tế cũng đã bàn bạc với Bộ Tài chính và thấy rằng nếu cho phép tư nhân tham gia vào các hoạt động liên quan đến máu và các chế phẩm từ máu thì đồng nghĩa với việc chấp nhận cơ chế thị trường, đầu vào đầu ra của máu đều tính trên giá trị đồng tiền, có mua bán sinh lợi nhuận. Các sản phẩm máu hiện nay đang được nhà nước trợ cấp, giá máu trên thực tế chỉ bằng 1/3 so với giá thực tế, 2/3 chi phí còn lại được ngân sách nhà nước bao cấp. Nếu để tư nhân sản xuất máu thì người bệnh sẽ phải chi trả những khoản tiền phát sinh rất lớn tạo áp lực về chi phí điều trị”.


Mặt khác khi chấp nhận cho tư nhân tham gia vào hoạt động của các trung tâm huyết học đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đi tìm nguồn máu. Ngoài số lượng rất ít máu từ thân nhân người bệnh thì một lượng máu lớn sẽ được thu mua từ những người có nhu cầu bán máu lấy tiền. Nhà nước trợ giá cho các hoạt động về tiếp nhận, sản xuất máu với mục đích giảm dần lượng người cho máu để lấy tiền, nếu cho phép tư nhân tham gia, chấp nhận cơ chế thị trường sẽ đi ngược lại mục đích trên.


TS.BS Lê Hoàng Oanh, Trung tâm truyền máu bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng: Bộ Y tế không cho phép hoạt động kinh doanh máu nên việc cho phép tư nhân tham gia vào các trung tâm máu là bất hợp lý. Song với các cơ sở y tế tư nhân, bệnh viện tư nhân tham gia hoạt động khám chữa bệnh, Bộ Y tế cần xem xét cấp phép cho các cơ sở đủ điều kiện để họ được sử dụng máu và các chế phẩm từ máu đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho hoạt động điều trị.


Bàn lấy máu làm xét nghiệm tại bệnh viện Đại học Y Dược
Bàn lấy máu làm xét nghiệm tại bệnh viện Đại học Y Dược

Đối với các bệnh viện tư nhân muốn tham gia vào hoạt động truyền máu, cần phải tự trang bị các phương tiện tối thiểu để bảo quản lưu giữ máu và các chế phẩm máu. Hiện nay các địa phương đều có Ban chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo nhưng hoạt động chưa hiệu quả. TS.BS Hoàng Oanh cho rằng, nếu Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo từ trung ương đến địa phương hoạt động đúng nhiệm vụ thì tình trạng thiếu máu chắc chắn sẽ được giải quyết, nhưng quan trọng hơn là phải sử dụng hợp lý để không gây lãng phí nguồn máu từ người hiến. Cần xây dựng kế hoạch để có được nguồn máu dự trữ cho cả năm phục vụ điều trị và phòng chống thiên tai thảm họa.


Góp ý cho Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, BS Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học, bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, do thiếu các quy định và văn bản hướng dẫn nên từ trước đến nay mỗi bệnh viện đang xây dựng cho mình một quy trình riêng trong việc tiếp nhận và sử dụng các sản phẩm từ máu phục vụ điều trị. Do đó, khi ban hành Luật về máu và tế bào gốc cần phải có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương để chấm dứt tình trạng mỗi nơi một phách.

Vân Sơn