Không kiểm soát nổi các sản phẩm sữa nước?

Người tiêu dùng sẽ mua loại sữa nào khi đoàn kiểm tra liên ngành thành lập theo mùa vụ và chỉ để nhắc nhở (vì chỉ cần rục rịch lập đoàn, người ta đã biết để đối phó rồi); việc thẩm định sữa được giao cho ngành y tế địa phương, các viện khoa học và cả các trung tâm dịch vụ tư nhân...?

Ông Hoàng Thuỷ Tiến, Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

 

Không kiểm tra được nguồn gốc sữa!

 

Thưa ông! Theo báo cáo của UB Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, có tới 90% số mẫu sữa bán tại các cửa hàng bán lẻ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, 80% số mẫu sữa tại các điểm vắt sữa cũng bẩn. Phải chăng chất lượng sữa đang bị "thả nổi"?

 

Tôi có tham gia đoàn giám sát, sau đó có đề nghị các địa phương chấn chỉnh ngay, vì ở đó có UBND và HĐND.

 

Cái khó của chúng tôi hiện này là chỉ dừng ở việc kiểm tra khâu sản xuất thành phẩm, còn không kiểm tra nguồn gốc sữa tươi nguyên liệu.

 

Hơn nữa về thẩm quyền Cục không được trực tiếp xử lý chỉ có thanh tra chuyên ngành mới được xử phạt hành chính. Mà lực lượng này thì gần như là không nắm được.

 

Mặt khác, lâu nay, Chính phủ chỉ chấn chỉnh các bộ còn UBND các địa phương thì bỏ ngỏ. Với những sản phẩm có nhãn mác đang bán trên thị trường cơ quan chuyên ngành kiểm soát khá tốt. Những sản phẩm sữa tươi kém chất lượng thì cũng khó kiểm soát vì chủ yếu họ đem bán rong, lúc chỗ này lúc chỗ kia.

 

Gần đây, theo phản ánh của người dân có một số công ty sữa sử dụng sữa bột pha thành sữa tươi đem bán cho người tiêu dùng. Cục đã xác minh vấn đề này chưa?

 

Hiện nay, người tiêu dùng đang bị nhầm giữa khái niệm sữa tươi và sữa tiệt trùng.

 

Hai loại sữa này đều là sữa nước nhưng khác ở chỗ: Sữa tươi được sản xuất từ sữa bò tươi nguyên chất và được thanh trùng trong nhiệt độ thấp (70 độ) để giữ nguyên thành phẩm, trên bao bì có ghi hàng chữ sữa tươi.

 

Thứ hai là sữa hoàn nguyên (sữa nước được làm từ sữa bột), trong đó thành phần có một phần sữa tươi (30-40%) còn lại sữa bột, đường và các chất phụ gia khác không cần bảo quản lạnh. 

 

Nhưng với thông tin trên thì Cục có ý kiến gì không?

 

Chúng tôi đã lập đoàn thanh tra liên ngành Y tế - Thương mại phối hợp với cơ quan quản lý thị trường thành lập đoàn thanh kiểm tra một số cơ sở sản xuất sữa. Hiện tại, chưa có báo cáo cụ thể nhưng nếu phát hiện cơ sở nào có hành vi gian lận thương mại sẽ xử lý.

 

Phải chăng, các doanh nghiệp cố tình "nhập nhèm" trong khâu quảng cáo sản phẩm khiến người tiêu dùng hiểu nhầm?

 

Cách đây mấy năm thì quả thật cũng có sự nhộm nhoạm về tình trạng quảng cáo, in ấn mẫu mã các sản phẩm sữa tươi nhưng sau khi chấn chỉnh thì mọi việc đã đi vào ổn định. Có điều người tiêu dùng chưa quen với khái niệm sữa dạng nước nên cho rằng tất cả sữa nước đều là sữa tươi.

 

Hầu hết sữa tươi pha chế từ sữa bột

 

"Gần 100% sữa tươi tiệt trùng đang có trên thị trường VN được pha chế từ sữa bột, chứ không phải vắt trực tiếp từ bò", Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty sữa và nước giải khát Hancofood Lê Viết Hà khẳng định.

 

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Lê Bá Lịch thì "Đa phần các sản phẩm sữa tươi đang bày bán hiện nay là sữa hoàn nguyên. Các doanh nghiệp đã lạm dụng từ sữa tươi. Đây là hành vi thiếu minh bạch, đánh lừa người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm".

 

Theo ông Lê Bá Lịch, các doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng trong các quy định hiện hành về ghi nhãn mác để vô tư "lách", không phải ghi thành phần định lượng.

 

Trong tất cả các văn bản hiện nay, từ Quyết định 178 ban hành năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ /QĐ - TTg về ghi nhãn sản phẩm, tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành, quy định của Bộ Thương mại... đều không bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải ghi rõ tỷ lệ các thành phần. (Theo Vnexpress)

"Chưa kiểm tra doanh nghiệp đã biết để đối phó rồi!"

 

Vậy sữa bột được chế biến thành sữa nước có đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng không? Có quy định gì đảm bảo cho việc sản xuất sữa này không? 

 

Công đoạn chuyển sữa bột thành sữa nước tiệt trùng đã có quy trình quản lý cụ thể rồi.

 

Tôi nghĩ ở nhiệt độ như Việt Nam sản xuất sữa tiệt trùng là tốt nhất vì nó đảm bảo vệ sinh, bảo quản được lâu, hơn nữa không phải lúc nào chúng ta cũng có hệ thống làm lạnh.

 

Sữa tươi thì phức tạp ở khâu bảo quản nên hiện tại các nhà máy ở Việt Nam không sản xuất nhiều. 

 

Nhưng có đến hàng trăm doanh nghiệp sữa mà lực lượng kiểm tra thì mỏng, làm sao có thể đảm bảo được?

 

Thế mới cần phải liên ngành, cần vai trò UBND các địa phương chỉ huy toàn lực lượng. Y tế làm nòng cốt để tham mưu còn lại có công an, thị trường, khoa học công nghệ, thuỷ sản…  Nhưng  Đoàn kiểm tra liên ngành chỉ thành lập theo mùa vụ chỉ để nhắc nhở chứ mới rục rịch lập đoàn người ta đã biết để đối phó rồi.

 

Thực sự khi vào cuộc phải có mạng lưới, hệ thống cộng tác viên, tới tận các phường xã. Chứ như hiện nay, yếu về thanh tra chuyên trách quá, làm sao kiểm soát hết.

 

Mỗi địa phương một kiểu thẩm định cấp phép?

 

Đã không kiểm soát hết, trong khi đó lại có quá nhiều mặt hàng sữa nước xin cấp phép sản xuất, điều này có làm cho khâu thẩm định bị rối không?

 

Hiện nay các loại sữa tiệt trùng, có nhãn hiệu đều do Cục VSATTP, Bộ Y tế, các Sở Y tế địa phương xem xét thẩm định và cấp phép. Thậm chí, doanh nghiệp muốn bổ sung thêm vi chất vào sữa thì làm đề xuất sau đó cơ quan quản lý như các Sở địa phương hoặc Cục xem xét nếu hợp lệ thì sẽ cho cấp phép. Đối với nhập khẩu cũng vậy, phải qua kiểm tra của hải quan, thuế vụ, y tế... sau đó mới được bán ra thị trường. 

 

Giao cho địa phương cấp phép, thì liệu họ có đủ năng lực để thẩm định không?

 

Nếu các chỉ tiêu đó phức tạp ở các thành phần như: chỉ tiêu về cảm quan, hoá lý... thì chuyển lên cơ quan cấp cao hơn kiểm tra và công bố tại Cục.

 

Còn đối với các loại sữa thông thường thì giao cho ngành y tế địa phương xem xét và công bố tại địa phương đó. Nếu địa phương không đủ năng lực thẩm định, công bố vẫn có thể yêu cầu các viện khoa học tại các vùng, miền.

 

Mặt khác các trung tâm dịch vụ của tư nhân cũng có thể đảm đương được khâu thẩm định này. 

 

Nhưng nhiều cơ quan cùng kiểm nghiệm như vậy sẽ xảy ra tình trạng cùng là sữa nhưng chất lượng khác nhau?

 

Địa phương có thể kiểm nghiệm các chỉ tiêu cơ bản, sau đó cấp phép sản xuất. Có nhiều doanh nghiệp đăng ký mẫu sữa mà địa phương đó không thể kiểm định được thì sẽ chuyển lên TƯ có điều kiện tốt hơn để thẩm định và xin cấp phép. Nói chung là với những loại sữa được dán nhãn mác đều đủ tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng.

 

Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là chưa thể kiểm tra hết các cơ sở mua sữa bột đóng bao sang bao. Tất nhiên số này không nhiều nhưng vẫn còn như TPHCM, Hà Nội.

 

Những bao sữa không nhãn mác, chỉ đề lên giấy bóng sữa gầy, ít đường... Lúc mua bao lớn thì kiểm tra được nhưng khi bán chủ của hàng bán lại xé lẻ ra rồi đóng gói để lấy lãi. Chúng ta chưa bàn đến việc đây có phải là sữa giả hay không nhưng rõ ràng chất lượng sẽ giảm. 

 

Vậy ông có khuyến cáo gì người dân khi sử dụng sữa?

 

Nên xem kỹ nhãn mác, hạn sử dung, điều kiện bảo quản. Nhiều khi sữa tiệt trùng uống không hết không cho vào lạnh thì dễ gây đau bụng…  Không nên lầm lẫn sữa tiệt trùng và sữa tươi. 

 

Theo VTC News