Không có tinh trùng, nam giới có thể sinh con?
(Dân trí) - Sau 5 năm kết hôn không có con, anh V. (Bắc Ninh) đi khám khắp nơi, được chẩn đoán không có tinh trùng. Anh được xác định mắc Hội chứng Klinefelter khiến 2 bên tinh hoàn teo nhỏ.
Đại tá, PGS.TS.BS Trịnh Thế Sơn, Giám đốc Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội (Học viện Quân y) cho biết, nam bệnh nhân ở Bắc Ninh sau khi xác định mắc Hội chứng Klinefelter đã được điều trị thành công, có con sau nhiều năm đằng đẵng chữa trị.
Trước đó 5 năm, anh V. lấy vợ. Sau kết hôn 3 năm không có con, 2 vợ chồng anh V. sốt ruột đi khám tại một bệnh viện ở Hà Nội.
Bệnh nhân được chẩn đoán không có tinh trùng trong tinh dịch do suy sinh dục thứ phát và điều trị thuốc, tiêm suốt trong 2 năm, nhưng không đem lại hiệu quả, tinh trùng vẫn chưa xuất hiện.
Khi bệnh nhân đến khám tại Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, PGS.TS Trịnh Thế Sơn đã trực tiếp khám cho người bệnh.
"Bệnh nhân được chẩn đoán mắc Hội chứng Klinefelter, không phải suy sinh dục thứ phát, vì thế phương pháp điều trị cũ trước đó không mang lại hiệu quả", PGS Sơn thông tin.
PGS Sơn cho biết, Hội chứng Klinefelter là tình trạng nam giới thừa 1 nhiễm sắc thể X gây ra vô sinh do không có tinh trùng trong tinh dịch.
Khi mắc hội chứng này, nồng độ FSH tăng cao khiến tinh hoàn teo nhỏ. Như bệnh nhân này, tinh hoàn 2 bên chỉ khoảng 2ml.
"Đây là một ca bệnh khó, cần phải điều trị nội khoa kết hợp phẫu thuật mới có thể mang lại hiệu quả.
Bệnh nhân được điều trị nội tiết thay thế trong 4 tháng. Sau khi xét nghiệm lại các chỉ số, bệnh nhân được quyết định mổ micro-TESE - vi phẫu tinh hoàn trích tinh trùng - một phương pháp hiện đại nhất hiện nay để "bắt" tinh trùng", PGS Sơn thông tin.
Các bác sĩ phải tổ chức 2 ekip song song thực hiện, vừa chọc hút trứng cho người vợ và mổ tinh hoàn thu tinh trùng bằng vi phẫu thuật cho người chồng.
Các bác sĩ đã lần tìm từng "con giống" ẩn sâu bên trong tinh hoàn và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho hai vợ chồng anh V.
"Chúng tôi đã tạo được 4 phôi. Ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên, anh V. vỡ òa cảm xúc khi biết vợ mình đã đậu thai. Ngày 6/9, em bé nặng 3,5kg chào đời mạnh khỏe trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của đại gia đình hai bên", PGS Sơn thông tin.
PGS Sơn cho biết, trước đây, người ta quan niệm bệnh nhân Klinefelter không thể có con của chính mình. Nhưng ngày nay, các phương pháp điều trị đã giúp bệnh nhân có thể có con. Đặc biệt, phương pháp micro-TESE đã giúp bác sĩ "bắt" những con tinh trùng ẩn sâu trong tinh hoàn, tạo cơ hội để những nam giới này có thể được làm bố.
Phương pháp micro-TESE được ứng dụng tại Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội - Học viện Quân y từ năm 2010 và tại đây cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt nam thực hiện thành công ca micro-TESE, một em bé chào đời năm 2012 nhờ kỹ thuật này.
Đến nay, các bác sĩ đã thực hành thành thục, thường quy kĩ thuật khó "soi", "bắt" tinh trùng ít ỏi, giúp nhiều nam giới được làm cha.