Khó tin 70 - 75% thực phẩm an toàn!

PGS. TS Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, khẳng định: “Bức tranh an toàn thực phẩm hiện nay không quá ảm đạm như người dân lo ngại”. Kết luận này ngay lập tức đã nhận được những ý kiến nghi ngờ từ các chuyên gia y tế.

 Những con số mà PGS Đăng Vang đưa ra về kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm dự kiến sẽ được báo cáo tại kỳ họp quốc hội tháng 5/2009.

 

Không căn cứ

 

Trên blog của mình, GS.TS Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của uỷ hội Nghiên cứu y khoa và y tế quốc gia Úc, cho rằng con số trên mang tính phỏng đoán hơn là một kết luận giám sát.

 

“Làm sao có thể thống kê hết tất cả thực phẩm trên thị trường, chưa nói gì đến chuyện xét nghiệm để định lượng an toàn hay không an toàn. Mà, nếu có phương tiện xét nghiệm đàng hoàng, tôi nghĩ 100% thực phẩm đều không an toàn, vì đều hàm chứa ít nhất một hoá chất độc hại. Chẳng phải ở Việt Nam, ở ngoài này cũng thế”, ông Tuấn nhận định.

 

Cũng theo ông Tuấn, việc khẳng định 70 - 75% thực phẩm an toàn rồi sau đó đưa ra một so sánh rằng “tổng kinh phí đầu tư cho an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 5 năm vừa qua là 329 tỉ đồng, đạt 780 đồng/người/năm, chỉ bằng tiền mua một điếu thuốc lá” thể hiện sự thiếu suy nghĩ trong so sánh giữa hai hiện tượng vốn có bản chất rất khác nhau.

 

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên phó viện trưởng viện Vệ sinh y tế công cộng, cũng nghi ngờ kết luận quá lạc quan mà đoàn giám sát ghi nhận được. “Nhiều năm theo dõi lĩnh vực này, tôi cho rằng tỷ lệ an toàn cao nhất cũng chỉ tới mức 30 - 40%. Nếu thực phẩm an toàn cao thì số người ngộ độc phải giảm, chứ sao lại liên tục tăng đến mức báo động?”, bác sĩ Mai nhận xét.

 

Cũng theo bác sĩ Mai, kết quả này rất khác với kết luận của đoàn giám sát rằng năng lực kiểm soát của các trung tâm kiểm nghiệm còn thiếu và yếu. “Đưa ra con số không đúng thực tế không giải quyết được vấn đề gì mà còn khiến người dân chủ quan hơn với nguy cơ ngộ độc thực phẩm”, bác sĩ Mai bày tỏ.

 

Ở Việt Nam hàng năm có khoảng 3 triệu trường hợp nhiễm độc, gây thiệt hại hơn 200 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật 42,2%, do hoá chất 24,9%, do độc tố tự nhiên 25,2%.

 

(nguồn: GS-TSKH Lê Doãn Diên, chủ tịch hội Khoa học và công nghiệp lương thực, thực phẩm Việt Nam)

Giám sát “luỵ” báo cáo

 

Theo phân tích của một chuyên viên phòng quản lý ATVSTP TPHCM, con số 70 - 75% không loại trừ đã rút ra từ báo cáo kết quả thanh tra thực phẩm năm 2008 của Bộ Y tế, vì tương đối trùng khớp với số cơ sở vi phạm bị xử lý trong năm này (khoảng 25 - 30%).

 

Theo bác sĩ Mai, nếu đúng như vậy thì kết luận đó càng không đáng tin cậy. Vì báo cáo thanh tra chỉ “gói” trong phạm vi các cơ sở bị thanh tra, trong khi số cơ sở hoạt động trên thực tế hơn gấp nhiều lần số bị thanh tra. “Mấu chốt vấn đề là phải tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát các cơ sở trên địa bàn, nâng cao nhận thức an toàn thực phẩm cho người sản xuất, người bán, người mua. Không phải cứ kêu Quốc hội chi thêm thật nhiều tiền để đầu tư máy móc, con người cho các cơ quan quản lý cấp trên như đề xuất của đoàn giám sát là sẽ giải được bài toán an toàn thực phẩm”, bác sĩ Mai góp ý.

 

Tiến sĩ Lê Văn Đính, giảng viên học viện Hành chính quốc gia, cho biết ông không thấy ngạc nhiên nếu có kết luận giám sát nào gây hoài nghi trong dư luận. “Có thể khẳng định một điều là hầu hết các cuộc giám sát hiện rất nặng hình thức và đều lệ thuộc vào báo cáo do cơ quan bị giám sát cung cấp. Báo cáo thế nào thì nghe vậy, muốn phản biện cũng không thể vì có báo cáo nào khác đâu”, ông Đính thẳng thắn.

 

Theo ông Đính, để những kết luận giám sát bảo đảm chính xác ở mức cao nhất thì sau bước giám sát nên tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, chuyên gia của lĩnh vực đó về kết luận trước khi công bố chính thức.
 

An toàn thực phẩm mà ngộ độc tăng?

Năm

Số vụ ngộ độc

Số người mắc

Tử vong

2004

145

3.584

41

2005

144

4.304

53

2006

165

7.135

57

2007

248

7.329

55

2008

205

7.828

61

(nguồn: cục An toàn vệ sinh thực phẩm, bộ Y tế)

 

Theo Vĩnh Huy

Sài Gòn tiếp thị