Khó như phòng viêm gan B cho thai nhi

(Dân trí) - Thai phụ nhiễm vi-rút viêm gan B luôn lo lắng đến mất ăn mất ngủ sợ truyền căn bệnh mạn tính này cho thai nhi. Bởi dù được tiêm vắc-xin viêm đầy đủ cũng chỉ bảo vệ 80%, còn 20% vẫn có nguy cơ lây truyền và phát triển thành mạn tính.

Khó như phòng viêm gan B cho thai nhi
Vất vả hành trình phòng bệnh cho con

Nhớ lại hành trình tìm mua huyết thanh kháng viêm gan B cho con gái đầu lòng, chị P.T.T (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn chưa hết lo lắng, thấp thỏm.

Khi mang thai, chị mới biết mình bị viêm gan B. Lo lắng lây cho con, trong suốt 9 tháng mang thai, chị không yên tâm được ngày nào. Càng gần đến ngày sinh con, chị càng lo lắng bởi bác sĩ tư vấn, nếu chỉ tiêm vắc-xin viêm gan B, dù tiêm ngay mũi đầu trong 24h sau sinh thì khả năng bảo vệ vẫn chỉ đạt khoảng 80%. Muốn phòng hiệu quả phải tiêm cả mũi huyết thanh kháng viêm gan B cho trẻ ngay sau khi sinh, tiếp đó tiêm vắc-xin viêm gan B thì mới tăng hiệu quả bảo vệ.

Lục tung mọi phòng khám, tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội, chị chỉ nhận được lời hứa ghi vào sổ để chờ đặt hàng. Sốt ruột, chị nhờ cả chị gái trong TP Hồ Chí Minh tìm mua nhưng vẫn không có, bởi huyết thanh kháng viêm gan B rất hiếm, phải đặt trước. Không dừng lại, chị nhờ một người bạn ở Singapore tìm hiểu và được một bệnh viện ở đây hứa cung cấp thuốc nếu chị chuyển bệnh án sang. Vội vàng xin mượn bệnh án, dịch sang tiếng anh và photo công chứng gửi đi, sẵn sàng chấp nhận chi trả số tiền lớn cho việc vận chuyển huyết thanh về ngay trong ngày sinh con… nhưng chị vẫn thấp thỏm, lo lắng, vì nếu thuốc không kịp về, bé không được tiêm ngay sau sinh thì vẫn có nguy cơ lây truyền.

“Rồi thật may mắn, đúng 1 tuần trước dự sinh thì một phòng tiêm chủng ở Hà Nội gọi đến cho mình để lấy thuốc tiêm cho em bé. Lúc đó, mình mới thở phào nhẹ nhõm. Quả là trong 9 tháng mang thai không có một phút thảnh thơi vì lo lắng cho bé”, chị T kể lại.

Đó không chỉ là tâm trạng của riêng chị T, mà trên nhiều diễn đàn, nhiều thai phụ bị viêm gan B cũng chia sẻ nỗi lo lắng, quá trình tim huyết thanh kháng viêm gan B khó khăn như thế nào. Các bà mẹ đã phải chạy đôn chạy đáo nhiều nơi tìm huyết thanh kháng viêm gan B cho con, nhưng không phải ai cũng thành công. Nhiều bà mẹ đành chấp nhận chỉ tiêm vắc-xin viêm gan B, rồi thấp thỏm chờ đợi, hi vọng con mình sẽ không rơi vào số 20% có nguy cơ lây truyền.

Phòng lây truyền từ trong bụng mẹ

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người dân mang vi-rút viêm gan B trong máu cao nhất thế giới, 10-15%. Đa số đó những trường hợp viêm gan B mãn tính và sau 15-20 năm có thể gây ra các bệnh xơ gan, ung thư gan…

Ở người lớn, do có sức đề kháng tốt nên có đến 90-95% số người bị lây qua đường máu, tình dục sẽ được cơ thể loại trừ. Ngược lại, ở những người mẹ đang bị nhiễm vi-rút viêm gan B, nếu không có can thiệp gì từ quá trình mang thai đến sinh nở thì có đến 95-100% trẻ bị lây truyền vi-rút viêm gan B từ mẹ và 90% số đó trở thành mãn tính. Trong cộng đồng, trong tổng số bệnh nhân mang vi-rút viêm gan B mãn tính thì chủ yếu là lây từ mẹ sang con.

“Trong khi đó, để phòng lây truyền từ mẹ sang con, nếu vừa sinh ra trẻ được tiêm phòng thật tốt, đủ 4 mũi thì 80% được phòng ngừa, còn khoảng 20% phát triển thành viêm gan B mãn tính. Còn nếu được tiêm thêm thuốc miễn dịch đặc hiệu thì giảm trừ thêm 10% tỉ lệ, trở thành người mang vi-rút viêm gan B mãn tính. Nguyên nhân là khi nồng độ vi-rút trong máu quá cao (trên 10 triệu vi-rút/ml máu), vượt quá khả năng ngăn cản của rau thai, tràn sang máu con từ trước khi sinh nên khi trẻ ra đời, các biện pháp phòng bệnh không hiệu quả nữa. Đây là những trường hợp cần can thiệp đặc biệt chứ không chỉ can thiệp bằng vắc-xin và huyết thanh miễn dịch”, PGS.TS Nguyễn Văn Bàng nói

“Đề tài cấp nhà nước phòng lây truyền vi-rút viêm gan từ mẹ sang con đã được phê duyệt và hiện chúng tôi đang triển khai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản trung ương, khoa sản Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt - Pháp. Theo đó, các thai phụ có nồng độ vi-rút viêm gan B trong máu cao có thể phòng ngừa việc lây truyền bệnh sang con bằng phương pháp dùng thuốc giai đoạn cuối thai kỳ. Hiện đang có 20 người tham gia đề tài, trong đó 16 người được dùng thuốc, 8 người đã sinh con. Đây là đề tài đầu tiên tại Việt Nam về phòng ngừa lây truyền vi-rút viêm gan B từ mẹ sang con bằng thuốc. Còn trên thế giới, các nước đã triển khai rất nhiều và đã thành công”, TS Bàng, chủ nhiệm đề tài nói.

Chị L.T.H là một trong những bệnh nhân đầu tiên trong nhóm nghiên cứu này và hiện đã sinh con được gần 2 tháng. Xét nghiệm máu cuống rốn em bé khi sinh ra là âm tính với vi-rút viêm gan B. Bé cũng được tiêm phòng vắc-xin này như tất cả các trẻ em khác và sau 1 năm sẽ được đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc-xin.

“Từ hơn một năm trước, khi chuẩn bị cưới mình phát hiện nhiễm vi-rút viêm gan B. Quả thực là mất ăn, mất ngủ và sau khi tâm sự với bạn trai, bọn mình vẫn quyết định cưới. quyết định mang thai. Khi mang thai, mình cũng được tư vấn và cũng như bao bà mẹ bị viêm gan B khác, mình đã tìm hiểu, chạy đôn chạy đáo tìm mua huyết thanh kháng viêm gan B nhưng rất hiếm. Sau khi khám tại BV Phụ sản, chia sẻ những lo lắng đó, mình được bác sĩ giới thiệu tham gia chương trình này”, chị L.T.H nhớ lại.

Kết quả xét nghiệm đếm vi-rút viêm gan B, nồng độ vi rút viêm gan B trong máu chị L.T.H lên đến 10 triệu con/1ml máu nên đã được chỉ định uống thuốc ức chế vi-rút từ khi thai được 32 tuần và uống liên tục đến sau sinh 1 tháng. Em bé sau sinh cũng tiêm vắc-xin ngay sau sinh. “Kết quả xét nghiệm máu cuống rốn em bé sau sinh là âm tính. Bé được tiếp tục theo dõi sức khỏe và hoàn tất các xét nghiệm liên quan cho đến khi tròn 12 tháng tuổi.

“Nếu được khám sàng lọc, biết nồng độ vi-rút viêm gan B cao trong máu thì từ khi thai được 7 tháng trở đi, mẹ sẽ được dùng loại thuốc diệt vi-rút không độc cho mẹ, không độc cho thai (đã được chứng minh) để hạ được nồng độ vi-rút xuống nhanh. Đến giữa tháng 9 của thai kỳ, nồng độ vi-rút xuống còn 1/4 - 1/5 (thậm chí có người còn âm tính - không phải là khỏi hẳn nhưng thuốc có tác dụng ức chế khiến vi-rút không sinh ra được), nên khả năng lây sang con rất thấp”, TS Bàng giải thích.

Lợi cả cho mẹ, cho con

 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Bàng, uống thuốc ức chế vi rút (đã được chứng minh không gây hại cho mẹ, không gây hại cho con) không chỉ giúp giảm nồng độ vi rút viêm gan B trong máu người mẹ để giảm nguy cơ lây truyền cho con, mà còn có lợi cho chính các sản phụ này. Bởi những sản phụ bị viêm gan B không chỉ dễ bị vàng da sau sinh mà còn có nguy cơ viêm gan, hôn mê gan do lượng vi rút tăng cao. Được uống loại thuốc này, nồng độ vi rút giảm xuống, nguy cơ đó cũng giảm theo.

Hồng Hải