“Khổ” như bị viêm đại tràng mạn tính
(Dân trí) - Là một trong những bệnh lý đường tiêu hoá có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng đại tràng, ung thư đại tràng, áp xe gan… nếu không được điều trị kịp thời.
“Nỗi khổ” của người bệnh viêm đại tràng mạn tính
Viêm đại tràng mạn tính là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tùy vào cơ địa của từng người mà bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính phải đối mặt với các vấn đề khó chịu với tần suất và mức độ nghiêm trọng khác nhau:
Đau bụng, đau lưng và chuột rút: Người bệnh thường bị đau dọc khung đại tràng, vùng đau có thể lan tỏa ra sau lưng gây đau lưng. Ngoài ra, người bệnh còn có nguy cơ bị chuột rút bụng nghiêm trọng gây đau đớn, thậm chí buồn nôn do những tổn thương trên niêm mạc đại tràng gây xước ở đường tiêu hóa.
Rối loạn tiêu hóa: Rất nhiều bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa: đi tiêu lỏng nhiều lần trong ngày, phân có nhầy, lẫn bọt hoặc đi phân táo kèm theo mũi nhầy bọc ngoài phân hoặc táo bón xem kẽ đi lỏng. Người bệnh còn có thể có cảm giác mót rặn và sôi bụng, muốn đi tiêu ngay lập tức.
Nặng bụng, chướng bụng, đầy hơi: Viêm đại tràng làm niêm mạc đại tràng bị tổn thương, nhu động giảm khiến các chất cặn bã bị ứ trệ không đào thải ra ngoài được, sinh đầy hơi, chướng bụng. Đồng thời, thức ăn ở phía trên cũng bị ứ trệ lại gây ậm ạch khó tiêu.
Mệt mỏi do thiếu dinh dưỡng, mất nước: Viêm đại tràng có thể làm cản trở khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và calo của cơ thể gây thiếu hụt dưỡng chất. Ngoài ra, trong các trường hợp tiêu chảy nhiều, người bệnh còn có nguy cơ bị mất nước nếu không được bù nước kịp thời.
Cần kiên trì điều trị
Là bệnh mãn tính nên người bệnh cần kiên trì và tuân thủ nguyên tắc điều trị cùng với đó là kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và khoa học.
Người bệnh cần kiêng sử dụng các loại thực phẩm như đồ tanh, thức ăn ôi thiu, đồ ăn khó tiêu sinh nhiều hơi, hạn chế rượu bia và thuốc lá.
Ngoài ra, người bệnh nên luyện tập thói quen nhai kỹ, ăn chậm, đi đại tiện vào một giờ nhất định trong ngày và thay đổi môi trường sống tạo không khí thoải mái dễ chịu, tránh căng thẳng, lo âu.
Người bệnh có thể lựa chọn các thảo dược như lá mơ lông, mộc hoa trắng… với tác dụng diệt khuẩn; sa nhân, đảng sâm… giúp kiện tỳ, kích thích tiêu hóa hay mộc hương, bạch truật….giúp điều trị tiêu chảy, nhuận tràng; vọng cách giúp giảm táo bón… để bệnh được kiểm soát tốt.
Thanh Tuyền