Khiếp đảm nhà vệ sinh bệnh viện

(Dân trí) - Vừa bước đến cửa nhà vệ sinh thu tiền của bệnh viện 108, tôi đã lập tức đưa tay lên bịt mũi. Cố gắng bước vào nhưng đành "bỏ chạy" bởi cái mùi nồng nặc đến khó tả bốc lên. Có lẽ nhà vệ sinh thu tiền công cộng còn sạch sẽ hơn ở đây.

Mỗi nơi một kiểu!

 

“Rõ ràng là mình mất tiền mà vẫn phải dùng nhà vệ sinh bẩn”, đó là những gì tôi cảm nhận được ở đây. Nhìn bề ngoài, khu vệ sinh của bệnh viện 108 cũng không đến nỗi nào. Nhưng nếu vào hẳn bên trong sẽ thấy sự khác biệt hoàn toàn. Trước tiên là bất cứ ai vào đây cũng đều cảm thấy khó chịu vì cái mùi khai nồng nặc. Tiếp đến là mặc dù khu vực này được lát gạch men trắng song dường như do ít lau dọn hoặc làm qua loa nên cả trên tường lẫn phía dưới sàn vẫn khá bẩn.

 

Tại khu nhà vệ sinh của bệnh nhân, đa số các nơi đều có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng hơn 1m, trong khi đồ đạc để trong này thì nhiều. Chỉ riêng mỗi bệnh nhân một cái bô đi vệ sinh cho một phòng sử dụng của gần chục người thì đã chiếm diện tích là bao nhiêu rồi. Hơn nữa, do quá bé nên nếu bệnh nhân nào có thể tự đứng dậy đi lại được thì cũng rất vất vả mới có thể "giải quyết" được.

 

Tại bệnh viện Phụ sản TƯ thì còn kinh khủng hơn. Dù vẫn phải nộp tiền nhưng mức độ ô nhiễm còn nặng nề hơn. Có mặt tại khu nhà vệ sinh nữ sáng hôm 14/9, tôi tận mắt chứng kiến chỗ đi “nặng” bị... tắc, và thế là “cái ấy” cứ chềnh ềnh ở đó, trông phát kinh. Không những vậy, để vào khu vệ sinh nữ phải đi qua khu vệ sinh nam. Trong khi đó, cửa nhà khu vệ sinh nam thì không có chốt, cứ mở toang hoang!

 

Ở bệnh viện E, tuy mức độ ô nhiễm không bằng hai bệnh viện trên nhưng ở đây, khu vệ sinh đều chỉ đề chung chung là khu dành cho “bệnh nhân”. Do vậy, nếu ai đó mới đến đây lần đầu sẽ rất dễ nhầm khu nam thành khu nữ và ngược lại. Họ chỉ có thể nhận ra điều đó khi đã bước vào hẳn trong khu vệ sinh của từng nơi, thậm chí có khi phải chạm trán với người khác giới mới vỡ nhẽ! Bên cạnh đó, do khu vệ sinh ở đây đặt khá gần khu khám bệnh, điều đó đã làm ảnh hưởng những người đến khám và điều trị.

 

Thực tế, tại nhiều bệnh viện, ngay cả những bệnh viện nói trên đều có những khu vệ sinh rất sạch sẽ. Tuy nhiên, những nơi đó hầu hết chỉ được dành cho cán bộ, nhân viên và khách của bệnh viện. Còn đối với bệnh nhân và người nhà thì đều phải sử dụng những khu vệ sinh khiếp đảm như vậy.

 

Đừng đổ hết cho quá tải!

 

Không phải tất cả các bệnh viện quá tải bệnh nhân đều xảy ra tình trạng tương tự. Chẳng hạn như bệnh viện Việt - Đức, bệnh viện phụ sản Hà nội... Điều đó chứng tỏ không phải cứ quá tải là nhà vệ sinh sẽ bẩn. Trước đây, khu vệ sinh của bệnh viện phụ sản Hà Nội khá bẩn, nhất là khu dành cho các sản phụ. Bệnh nhân đi lung tung, vứt phế phẩm không đúng chỗ, một nhà vệ sinh có quá nhiều người dùng trong khi không có người thường xuyên theo dõi, nhắc nhở...

 

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này đã được khắc phục. Bác sỹ Nguyễn Duy Ánh, Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Bệnh viện luôn ý thức việc gọi nhà vệ sinh là công trình phụ nhưng lại là chính. Xây dựng hai khu vệ sinh nam, nữ riêng biệt ngay tại khu bệnh nhân (mặc dù bệnh nhân chủ yếu là nữ), sử dụng nước thoải mái và đặc biệt là có người được phân công chuyên trách về việc đảm bảo vệ sinh tại những nơi này.

 

Trách nhiệm bảo đảm nhà vệ sinh sạch sẽ là của bệnh viện. Nhưng ở đây cũng phải nói đến thực trạng về ý thức của người dân. Chuyện phổ biến nhất là: rõ ràng có rất nhiều nơi sử dụng nước thoải mái, ghi rõ hẳn biển “Đi xong phải dội nước” song nhiều người vẫn cứ lờ đi làm người đến sau phát khiếp. Có người còn bảo: “Có phải nhà vệ sinh của mình đâu mà lo, kệ nó”. Thậm chí, những đồ cá nhân của phụ nữ họ cũng vứt bừa ra khu vệ sinh!

 

Vì vậy, trong lúc vấn đề nâng cao ý thức của người dân cần phải có thời gian thì bệnh viện nói riêng và các nơi công cộng nói chung phải coi đó là một trong nhiệm vụ quan trọng tương đương với các công việc chuyên môn. Bởi đây cũng là trách nhiệm giữ gìn sức khoẻ của người dân, nhất đây lại là các cơ sở y tế. 

 

Vì sao nhà vệ sinh của bệnh viện Việt – Pháp sạch?

 

Bệnh viện Việt - Pháp được coi là một trong những bệnh viện có tiêu chuẩn quốc tế về bảo đảm vệ sinh, môi trường ở Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Minh Hoà - Phụ Trách Dịch Vụ Khách Sạn - Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã chia xẻ với Dân trí về vấn đề này.

 

Xin bà cho biết, công tác lau dọn, vệ sinh của bệnh viện Việt Pháp được thực hiện như thế nào?

 

Khu vệ sinh công cộng của bệnh viện luôn được lau dọn 3 lần trong ngày, dùng hóa chất tốt có đánh giá thẩm định trên thế giới. Trong đó, lần làm sạch cuối cùng trong ngày vào buổi chiều được làm thật kỹ lưỡng, xả nước nóng và dùng hóa chất đánh sạch lại từ đầu. Đặc biệt, cứ mỗi giờ nhân viên lại kiểm tra nhà vệ sinh một lần. Mọi phát sinh đều được làm sạch ngay. Khăn lau cũng được chia theo màu và lau đúng quy định.

 

Đặc biệt, đối với những khu vệ sinh dành cho sản phụ của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, chúng tôi còn sử dụng máy khử trùng không khí được chạy 1tuần/ lần.

 

Tại các bệnh viện Việt Nam, quá tải cũng là một trong những lý do khiến khu vệ sinh trở nên ô nhiễm trầm trọng. Vậy bệnh viện Việt Pháp có kinh nghiệm nào trong vấn đề này?

 

Một điều hiển nhiên là mật độ bệnh nhân quá cao chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều phát sinh và điều này cũng không tránh khổi đối với vấn đề ô nhiễm trong các khu vệ sinh công cộng. Những biện pháp sau đây đã được chúng tôi thực hiện tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn cho các khách hàng sử dụng dịch vụ tại đây:

- Chọn hóa chất tốt đảm bảo chất lượng không gây độc hại cho môi trường xung quanh và người sử dụng.

- Dụng cụ làm sạch phải phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng

- Đào tạo nhân viên: Đưa ra tiêu chuẩn của bệnh viện,có hướng dẫn công việc cụ thể và nâng cao nhận thức của họ về tầm quan trọng của việc làm sạch

- Làm vệ sinh thường xuyên, nhiều lần trong ngày

- Có lịch tổng vệ sinh tùy theo tình trạng thực tế

- Có giám sát thường xuyên, kiểm tra nhân viên làm theo đúng hướng dẫn đào tạo

- Trả lương xứng đáng cho người lao động.

Xin cảm ơn bà!

Lan Hương