Khi trí thức phát điên

Nhiều giáo sư, tiến sỹ và cả doanh nhân thành đạt, khi sự nghiệp đã đạt đến đỉnh rực rỡ nhưng do lao động quá mức mà không được nghỉ ngơi, đã hoá điên khi gặp một va vấp rất nhỏ.

Khi trí thức phát điên - 1
Không ít bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội là những trí thức, thậm chí cả "siêu" trí thức
 
Bệnh nặng vì quá hiểu biết

 

Sau nhiều năm công tác trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị bệnh nhân tâm thầm, bác sỹ Nguyễn Thị Kim Mai, Trưởng Khoa A cấp tính (Bệnh việm tâm thần Hà Nội) vẫn thấy đau đớn vô cùng mỗi khi kể lại những trường hợp bệnh nhân là tri thức phải nhập viện.

 

Theo bác sỹ Mai, trong xã hội hiện đại, bệnh nhân tâm thần là những trí thức dường như ngày càng có nhiều. Và, việc điều trị cho những trí thức mắc bệnh tâm thần là vô cùng khó khăn. Và có một sự thật là trí thức càng ở “level” cao, càng dễ phủ định mình bị mắc bệnh tâm thần.

 

Bác sỹ Mai cho biết, mấy tháng trước đây, Khoa A cấp tính đón nhận một bệnh nhân vốn là một giảng viên ngành kiến trúc đô thị của một trường đại học nổi tiếng. Bệnh nhân này có tên L.T.L được xác định là đã mắc bệnh từ năm 2006. Nhưng, do bệnh nhân và gia đình phủ định bệnh,  điều trị ở nhà thời gian dài bằng phương pháp cho uống nước trái nhầu. Vì vậy, khi vào viện, bệnh của bệnh nhân đã quá nặng, muốn chữa khỏi hẳn là một điều không thể.

 

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân thì vị giảng viên đại học này bắt đầu có những triệu chứng của bệnh tâm thần vào năm 2006. Năm ấy đi công tác cùng đoàn nhà trường về đến sân bay Nội Bài, nữ giảng viên này không may bị mất vali. Sự không may này sau đó lại được nữ giảng viên liên tưởng tới việc chị đang bị một thế lực theo dõi và người ta đã đánh cắp chiếc vali để tìm hiểu những “thông tin tuyệt mật” chị đang có. Trước những câu chuyện hoang tưởng đến phi lý mà L.T.L thêu dệt, nhà trường đã phải đình chỉ việc giảng dạy của chị.

 

Không phải giảng dạy nữa, nhưng tình trạng của chị lại càng nghiêm trọng hơn khi bắt đầu lo lắng đến vấn đề “to lớn và vĩ đại hơn”, ấy là “vấn đề an ninh lương thực quốc gia”; lo lắng các “chất độc hại do một thế lực nào đó đang reo rắc vào các loại lương thực” mà người dân của đất nước hơn 80 triệu người này vẫn ăn hàng ngày!

 

Mới đây, do bệnh tình đã quá nặng, lúc nào chị L. cũng nghĩ một thế lực vô hình sắp giết hại mình nên hoảng loạn chạy trốn khắp nơi. Trước tình cảnh đó, chồng của chị L. đã chở vợ đến bệnh viện theo hình thức chữa bệnh “cưỡng chế”.

 

Vào đến bệnh viện, được bác sỹ khám chữa chu đáo, nhưng khi bác sỹ bắt chuyện, L.T.L nhìn vị bác sỹ mặc áo trắng từ đầu xuống chân với vẻ nghi ngờ nghiêm trọng rồi hỏi lại: “Chị có máy ghi âm không? Nếu có máy ghi âm thì không nói chuyện gì hết”. Bởi chị sợ, những cuộc nói chuyện ấy có thể được “các lực lượng hắc ám” lấy làm bằng chứng chống lại mình sau này!

 

Cũng nhập viện trong tình trạng quá nặng, không thể điều trị khỏi là trường hợp của một dược sỹ, đang công tác tại khoa dược của một bệnh viện lớn tại Hà Nội.

 

Theo lời bác sỹ Mai, vị dược sỹ này cũng bị hoang tưởng, lúc nào cũng nghĩ có một thế lực đang theo dõi và tìm cách giết hại mình. Vì vậy, việc đầu tiên chị làm là “cách ly” với các đồng nghiệp bằng cách viết đơn xin nghỉ việc tại bệnh viện để... ở nhà ẩn náu.

 

Sau khi nghỉ việc tại bệnh viện, bệnh của chị càng nặng hơn, suốt ngày trèo tường, leo từ nhà này sang nhà khác trong khu tập thể.

 

Thương con gái bị bệnh, bố mẹ tìm cách mang cô đi chữa trị nhưng cô nhất định không chịu. Vì vậy, hàng tuần, bố mẹ vị dược sỹ này vẫn phải vào viện lấy thuốc dành cho bệnh nhân tâm thần về trộn vào cơm, vào nước uống và vào sữa cho con gái. Song, với kinh nghiệm của một dược sỹ, cô con gái thường xuyên “tố giác” được hành vi trộn “thuốc độc” của bố mẹ vào đồ ăn của mình. Vì vậy, lúc nào cô con gái cũng căm thù bố mẹ, coi bố mẹ là “những tên tay sai của những thế lực hắc ám” cử đến để tìm cách giết hại mình. Mỗi lúc lên cơn, cô lao vào đánh đập, “chiến đấu” với bố mẹ như với những kẻ thù!

 

Hóa điên vì cháy hết

 

Theo TS Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), thì những trường hợp bệnh nhân tâm thần nêu trên được xếp vào nhóm triệu chứng burnout. Thế nhưng, do đã bị quá lâu mà không có biện pháp chữa trị nên bệnh nhân đã ở tình trạng hoang tưởng, mãn tính, rất khó chữa trị.

 

Hội chứng burnout (nghĩa tiếng Việt là cháy hết), theo TS Hồi là hội chứng tâm thần thường gặp ở nhóm những trí thức. Mà nguyên nhân, do các trí thức đã dốc qúa nhiều trí lực, tinh thần, tâm huyết và sự kỳ vọng quá cao vào công việc nghiên cứu, học tập. Nếu kết quả nghiên cứu, học tập tích cực thì không sao, nhưng một khi kết quả đạt được không như mong muốn, sức khỏe tâm thần của họ sẽ đi xuống không phanh.

 

Hội chứng burnout có tính phổ biến cao, nhưng theo TS Ngô Thanh Hồi, nó lại rất nguy hiểm với những người trẻ tuổi, nhất là người ở tuổi vị thành niên. Bởi, ở độ tuổi này, trí tuệ của người thành niên đang phát triển mạnh, nhưng kinh nghiệm sống thì không có, khả năng chịu đựng thất bại không có nên nó rất dễ gây nên khủng hoảng tâm lý. Mà khủng hoảng tâm lý ở độ tuổi này rất dễ đẩy bệnh nhân đến hành động tự tử. Hoặc, nếu không tự tử thì hậu quả của nó có thể kéo dài và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống sau này của bệnh nhân.

 

TS Hồi cho biết, cách đây mấy tháng, bệnh viện Mai Hương đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân là Q.A, một học sinh được xác định đã mắc chứng burnout. Đây là một học sinh đặc biệt, người đã đạt học sinh giỏi cấp thành phố trong suốt 12 năm liền. Đến kỳ thi đại học, cả gia đình và bản thân Q.A đều tin chắc rằng, cậu sẽ đỗ đại học ở một trường danh giá. Thế nhưng, kết quả Q.A đã trượt đại học, phải xuống học hệ cao đẳng.

 

Ngay sau khi trượt đại học, Q.A đã bị sốc, không ăn uống, nói năng, suốt ngày nằm trong phòng và bị chứng mất ngủ thường xuyên cho đến khi gia đình đem cậu đến bệnh viện tâm thần điều trị. Cũng may bệnh nhân này đến bệnh viện điều trị khá sớm nên sau một thời gian thuốc thang và được tư vấn chế độ nghỉ ngơi hợp lý đã khỏi bệnh hoàn toàn.

 

Đến bệnh viện tâm thần điều trị hội chứng burnout không chỉ có đối tượng là những học sinh, sinh viên. Ngay cả với những thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, hay doanh nhân thành đạt, khi sự nghiệp của họ đã đạt đến đỉnh rực rỡ rồi, nhưng do lao động quá mức mà không được nghỉ ngơi, đến khi gặp một va vấp nhỏ, họ cũng bị chứng burnout hạ gục.

 

Theo Nguyên Minh

Vietnamnet