1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khi rượu ngâm thành thuốc độc...

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Thanh Phong, thời gian gần đây có xu hướng người dân lạm dụng các loại dược liệu không rõ nguồn gốc, không được chứng minh rõ ràng về công dụng. Thậm chí có ca ngộ độc rượu ngâm dược liệu, kết quả kiểm nghiệm còn phát hiện cả lá ngón lẫn trong dược liệu trôi nổi này.

Tử vong vì rượu "tốt đủ thứ"

Ông Phong cũng bày tỏ, ông không hiểu nổi xu hướng của một bộ phận người dân, cứ nghe ai nói con vật gì, nội tạng động vật, loại cây cỏ nào có công dụng bổ dưỡng, hay bổ dương, trị bệnh là đem nguyên con, nguyên cây, nguyên củ thả vào rượu ngâm rồi uống, từ rắn, rết, bò cạp, bìm bịp, các loại cỏ cây hoa lá đến hoa thuốc phiện. Thậm chí cả những loại không hề có bằng chứng khoa học nhưng người dân vẫn nghĩ bổ và uống, không bổ ngang cũng bổ dọc. Trong khi đó thực tế đã có nhiều trường hợp tử vong vì rượu ngâm.

Nhiều người Việt có thói quen, ri rỉ rì ri, cái gì cũng ngâm rượu!
Nhiều người Việt có thói quen, ri rỉ rì ri, cái gì cũng ngâm rượu!

Gần đây lại rộ lên trào lưu ngâm rượu hoa anh túc vì “tốt đủ thứ”. Nhưng tốt đâu chưa ai chứng minh, chỉ thấy thỉnh thoảng lại ghi nhận ca ngộ độc rượu hoa anh túc phải nhập viện.

Một bác sĩ Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, rượu ngâm hoa anh túc rất độc và nguy hiểm. Bởi rượu đã độc, hoa anh túc (thuốc phiện) cũng độc. Uống rượu ngâm hoa anh túc tức là mang vào cơ thể hai cái hại, hại do rượu và hại do ma túy. Một người nếu dùng liên tục loại rượu này sẽ gây nghiện, không khác gì một con nghiện vừa nghiện rượu vừa nghiện ma túy.

Nếu không may bị ngộ độc cấp rượu ngâm hoa anh túc thì nguy cơ tử vong tăng lên gấp hai lần do ngộ độc rượu và ma túy. Còn về lâu dài, gây nghiện thì như một người nghiện rượu và nghiện ma túy với đủ nguy cơ về sức khỏe.

“Không hiểu vì lý do gì mà người ta cứ đồn thổi rượu hoa anh túc uống tốt cho sức khỏe, tốt đến cỡ nào thì không có bằng chứng, nhưng hại thì rõ ràng bởi hai loại chất kích thích cộng lại gây kích thích, ảnh hưởng xấu đến thần kinh khi uống nhiều”, một bác sĩ nói.

Hay như việc nuốt, uống các loại mật cá trắm tươi. Bắt được con cá trắm đen, làm thịt ai nấy cũng dặn người mổ cá nhớ cẩn trọng không làm vỡ mật cá, vì “tốt lắm”, chữa bách bệnh. Nào là chữa đau bụng, đau lưng, hen suyễn, suy nhược cơ thể, tăng cường sinh lực… mà chưa từng được y văn nào chứng minh. Mật này thường được nuốt tái trong bữa cơm hay pha vào rượu để uống.

Chưa biết “tốt lắm” đến đâu, nhiều trường hợp bị ngộ độc đến suy gan, suy thận phải tử vong thì đã xuất hiện tại các BV. Thông thường, sau khi uống mật cá trắm khoảng 2 - 3 giờ, các triệu chứng ngộ độc bắt đầu xuất hiện. Trường hợp nhẹ, bị đau bụng, nôn, đại tiện lỏng. Trường hợp nặng, đau bụng dữ dội, nôn và tiêu chảy rất nhiều, sau đó tiểu tiện ít, phù do suy thận cấp, hoặc bệnh nhân không có nước tiểu, người phù to, khó thở, hôn mê và tử vong nhanh.

Chớ dại nghe “rỉ tai” về công dụng dược liệu

Theo ông Phong, việc ngâm rượu dược liệu là truyền thống lâu đời ở nước có truyền thống về đông y, thuốc nam như của Việt Nam. Nhưng đó phải là các dược liệu được chứng minh về khoa học. Còn đây, nhiều người dân cứ nghe tốt là tin, là thử mà không lường trước được nguy hại.

Hầu như năm nào Cục An toàn thực phẩm cũng nhận được báo cáo về các trường hợp ngộ độc rượu ngâm rễ cây, lá cây rừng được quảng cáo là tốt cho sức khỏe, chữa được bệnh. Như tại Lào Cai từng xảy ra vụ ngộ độc 4 người uống rượu ngâm rễ cây (theo tiếng địa phương bà con gọi là cây sảm hóa có tác dụng chữa đau lưng), khiến cả 4 người ngộ độc, có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, hai mắt díp lại không mở được sau uống và một bệnh nhân đã tử vong.

Hay một vụ khác ở một tỉnh miền núi phía Bắc, khi xác minh nguyên nhân tử vong, xét nghiệm mẫu rượu thì còn thấy cả độc chất lá ngón ở trong rượu.

Ngay các loại dược liệu cũng cần có chỉ định tốt cho bệnh lý này, hại cho bệnh lý kia. Ví dụ dân gian hay ngâm rượu tắc kè vì tắc kè có công dụng giúp mạnh sinh lý, nhưng nếu không biết cách xử lý lại gây ngộ độc vì trong mắt tắc kè chứa độc tố, phải biết cách làm sạch, nướng sơ qua, sau đó bỏ nội tạng trước khi ngâm rượu. Nhiều người Việt thì có thói quen bê nguyên con để ngâm, như bìm bịp, tắc kè.

“Dù là vị thuốc hay, nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì nó sẽ trở thành độc hại nữa là các loại cây lá, vật nuôi, nội tạng động vật chưa được chứng minh thực hư hiệu quả ra sao, người dân cứ ngâm uống bừa là rất nguy hiểm”, ông Phong nói.

Chưa kể uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, ỉa chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần…

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo mạnh mẽ người dân không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; Tuyệt đối không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu, trong đó một đơn vị rượu tương đương: 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm